Chất lượng làm nên thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015

GD&TĐ - GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ - cho biết: Trước tiên, kỳ thi THPT quốc gia 2015 có chất lượng hơn so với các kỳ thi năm trước. Chính chất lượng đã làm nên thành công của kỳ thi và được xã hội đánh giá cao.

Thí sinh tại cụm thi Trường ĐH An Giang trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Thí sinh tại cụm thi Trường ĐH An Giang trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

GS.TS Võ Tòng Xuân tâm huyết chia sẻ:

Kỳ thi thúc đẩy nhiều đổi mới quan trọng

Trước đây, vì tâm lý chung, ai cũng muốn HS trường mình, HS tỉnh mình đỗ tốt nghiệp cao nên có nơi tỷ lệ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ này tăng lên không ngừng, nhiều nơi tỷ lệ tốt nghiệp THPT xấp xỉ 100%. Từ đó dư luận xã hội cũng ít nhiều nhìn nhận kết quả kỳ thi vẫn chưa thể hiện kết quả một cách thực sự.

Đến năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức, cũng có không ít người lo ngại kết quả thi sẽ cao ngất ngưởng như các năm trước. 

Tuy nhiên, đến khi có kết quả đã minh chứng chất lượng của kỳ thi, thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn giáo dục thường xuyên; tỷ lệ tốt nghiệp ở cụm thi do trường ĐH chủ trì cao hơn ở cụm thi tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức; tỷ lệ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn so với miền núi...

Kỳ thi góp phần thực hiện một số chủ trương quan trọng trong GD&ĐT như thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho HS. Trước đây công tác phân luồng HS sau THCS và sau THPT cũng rất khó khăn vì mọi người đều “dồn” vào cánh cửa đại học trong khi cánh cửa cao đẳng, trung cấp vẫn chờ người vào học mà không ai lựa chọn! 

Với kỳ thi THPT quốc gia, sau khi có điểm thi, thí sinh lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với điểm số và sở thích. Sẽ rộng đường để thí sinh lựa chọn theo học ĐH, CĐ hay trung cấp, phù hợp với điểm số mà mình đạt được.

Kỳ thi THPT quốc gia còn tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đây là việc được ngành GD&ĐT có bước chuẩn bị kỹ, thể hiện ở chỗ đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH trong những năm gần đây có xu hướng “mở” hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là dạng cấu trúc đề thi không bắt thí sinh phải học thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề…

Chính điều này đòi hỏi người giáo viên không chỉ biết đọc sách, soạn giáo án, lên lớp dạy học mà giờ đây họ phải biết tình hình thời sự, tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… Sắp tới đây hướng tới việc dạy học liên môn, dạy học tích hợp. 

Kỳ thi THPT quốc gia giúp tăng tính cạnh tranh giữa các trường ĐH, CĐ để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Từ đó thúc đẩy các trường ĐH, CĐ đầu tư và chú trọng hơn trong chất lượng đào tạo; lấy chất lượng làm thước đo để thu hút thí sinh. Thực tế, trường nào có chất lượng tốt, cơ sở vật chất đảm bảo, SV ra trường có việc làm thì thí sinh sẽ tìm đến và chọn theo học...

Thí sinh chọn đúng ngành, trường chọn đúng người học

 GS.TS Võ Tòng Xuân

Theo con số thống kê, trong đợt tuyển sinh năm 2015, Trường ĐH Nam Cần Thơ tuyển được 1.468 SV trong số hơn 4000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. 

So với các năm trước, năm nay nhà trường tuyển sinh thuận lợi, thí sinh cũng rộng đường lựa chọn hơn.

Trước đây thí sinh đăng ký hồ sơ vào ĐH, CĐ rồi thi tốt nghiệp THPT, sau đó thi tuyển ĐH, CĐ; giờ đây các em chỉ thi duy nhất kỳ thi THPT quốc gia, sau khi có điểm mới lựa chọn trường và ngành nghề. Nhờ đó mà thí sinh chọn đúng ngành nghề yêu thích, nhà trường cũng chọn đúng đối tượng vào học. 

Đây được xem như điều kiện quan trọng trong nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào mà nhà trường đang hướng tới. Bên cạnh đó thời gian xét tuyển cũng là lợi thế để thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hoặc chọn nộp hồ sơ vào các trường có mức điểm xét tuyển phù hợp, nâng cao khả năng trúng tuyển cho thí sinh...

Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới cần phát huy hơn nữa vai trò của các cụm thi; nên mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các địa phương, các cụm. Song song đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện kỳ thi để tạo sự thông suốt;

Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo mối liên kết thông suốt giữa Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và thí sinh.

Nếu được, giao cho các trường ĐH và các cụm thi quản lý dữ liệu điểm thi; làm việc này vừa giảm gánh nặng cho Bộ vừa giúp các trường và thí sinh tiếp cận dữ liệu điểm thi thuận tiện hơn.

Để phát huy những ưu điểm của phương án thi THPT quốc gia và không tạo nên xáo trộn, việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ cần giảm số đợt tuyển sinh, chỉ nên duy trì từ 1 - 2 đợt…

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, không chỉ ở cấp phổ thông mà các trường ĐH, CĐ cũng cần đẩy mạnh thiết kế các phương pháp giảng dạy mới. 

Phải đổi mới phương pháp soạn giáo trình và giáo án để SV có tài liệu tham khảo và vận dụng tính sáng tạo. Làm sao hướng dẫn SV tự học, tự tìm tòi các tài liệu để học, hiểu, nhớ và tăng cường thực tập để vận dụng thực tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ