Chắp cánh cho đồ án sinh viên đi vào cuộc sống

GD&TĐ - Xu thế hội nhập, ngày càng nhiều cơ sở giáo dục ĐH quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) đối với sinh viên. Bên cạnh những hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, nhiều trường đã kết nối với doanh nghiệp tìm đầu ra, chắp thêm cánh cho các đề tài NCKH, đồ án của SV đi vào thực tiễn cuộc sống.

Máy dán băng keo tự động của SV LHU chuyển giao cho Công ty Lixil Việt Nam. Ảnh: Công Chương
Máy dán băng keo tự động của SV LHU chuyển giao cho Công ty Lixil Việt Nam. Ảnh: Công Chương

Bước đi tất yếu để nâng cao chất lượng

Là một trường tư thục nhưng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) sớm nổi tiếng khi luôn giành những thứ hạng cao tại cuộc thi Robocon trong nước, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không dừng lại ở đó, sinh viên LHU còn tỏa sáng ở một số giải đấu khác về khoa học công nghệ.

Với LHU, NCKH và CGCN giữa các cơ sở giáo dục ĐH, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp là một trong những bước đi tất yếu và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Hàng năm, các nhóm sinh viên và giảng viên các khoa trong trường đều lên kế hoạch và thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của các doanh nghiệp.

Anh Hoàng Văn Hiệp - Trưởng phòng Bảo trì, Công ty gỗ An Cường cho biết: “Các sản phẩm mà Trường ĐH Lạc Hồng chuyển giao cho An Cường có công năng, hiệu quả sản xuất tương đương các sản phẩm cùng loại trên thị trường, trong khi giá thành lại rẻ hơn từ 30 đến 40% so với các sản phẩm cùng loại”.

Riêng Khoa Cơ điện - Điện tử của LHU, trung bình mỗi năm chọn chuyển giao từ 5 đến 7 sản phẩm KHCN cho các doanh nghiệp. Chỉ riêng 9 tháng năm 2019, nhà trường đã thực hiện chuyển giao 12 sản phẩm KHCN cho các đơn vị, trong đó có nhiều công ty là đối tác chiến lược của trường, như Công ty Lixil, Công ty Cường Vĩnh Phát, Công ty gỗ An Cường…

Trực tiếp tham gia NCKH, Nguyễn Hữu Hưng - SV năm thứ tư, Khoa Cơ điện - Điện tử cho hay: “Việc được học tập, tham gia các dự án như vậy giúp sinh viên chúng em có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch… Học tập ngay trong môi trường doanh nghiệp giúp em nhớ lâu hơn những kiến thức đã được học trước đó và thành thạo về chuyên môn, nắm được các quy chuẩn của các công ty. Do đó, không còn thấy bỡ ngỡ”.

Thành Nam và Xuân Hải (SV Khoa Cơ khí chế tạo máy HCMUTE) quét mã vạch trên thẻ BHYT cho robot nhận diện
 Thành Nam và Xuân Hải (SV Khoa Cơ khí chế tạo máy HCMUTE) quét mã vạch trên thẻ BHYT cho robot nhận diện 

Phòng Lap luôn sáng đèn

Mới 8 giờ sáng nhưng Phòng thí nghiệm mở (Open Lap) Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) đã tấp nập SV ra vào để tiếp tục các đề tài NCKH hay những đồ án còn dở dang. Lương Hữu Thành Nam (SV năm 4 ngành Cơ điện tử) và Nguyễn Đào Xuân Hải (SV ngành Chế tạo máy) thuộc Khoa Cơ khí chế tạo máy HCMUTE đang cặm cụi hoàn thiện công đoạn cuối đề tài Robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa.

Điểm đặc biệt của robot này là đã được tích hợp thanh toán tiền qua ví điện tử MoMo và có thể quét mã thẻ Bảo hiểm y tế, đổng thời robot tự nhắc bao lâu sẽ tới lượt khám. Hiện Robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa của Nam và Hải đã qua phần kiểm tra, hoạt động khá ổn định.

Thành Nam là một trong những thành viên gắn bó lâu nhất với Open Lab, từ khi còn là sinh viên năm nhất, chia sẻ: Tổng chi đề án hết 30 triệu đồng do Open Lap của nhà trường đài thọ. Ngoài ra, khi tham gia các cuộc thi NCKH thì các SV cũng nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía nhà trường. Hiện nhóm có một đề tài đã chuyển giao cho doanh nghiệp nhưng do đơn vị đang trong quá trình đăng ký bản quyền nên phải giữ bí mật. Ngoài đề tài đang làm thì nhóm của Hải và Nam cũng đã làm Robot lễ tân, đồng thời đã được một công ty quảng cáo thuê để sử dụng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE cho biết, hằng năm nhà trường đều dành một nguồn kinh phí lớn cho hoạt động NCKH của SV. Bên cạnh đó, nhà trường cùng một số phòng, ban chuyên trách lo quan hệ, kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, đồng thời nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để đặt hàng các đề tài nghiên cứu của SV. “Mục đích là làm sao để các em khi ra trường là 100% đều có việc làm và các đề tài/đồ án của SV ứng dụng được vào thực tiễn sản xuất của đời sống” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Từ những chủ trương đúng đắn của trường, các sản phẩm như robot, máy móc nông nghiệp, máy bán hàng tự động… của nhiều sinh viên từ Open Lap đã có cơ hội bước ra khỏi các cuốn tập, các kệ, phòng kho để hòa vào thực tiễn cuộc sống. Mới đây, trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019” - SV.Start-up do Bộ GD&ĐT tổ chức, mô hình Open Lab của thầy trò HCMUTE đã giành giải Nhì, chỉ xếp sau Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Để hoạt động NCKH, CGCN của SV đi vào thực tiễn sản xuất của đời sống, của doanh nghiệp rất cần sự chung tay quyết liệt từ các cơ sở GD. Như lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Hoạt động NCKH và CGCN phải đi theo chuẩn mực của thế giới, tiếp thu những kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả của thế giới. Hoạt động NCKH và CGCN cần gắn với doanh nghiệp, thị trường. Đây là thước đo đối với các trường trong sự đóng góp với đất nước, với xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ