Chàng trai “vàng” Olympic Vật lý và mối duyên “động đất, núi lửa”

GD&TĐ - Sự trùng hợp khá thú vị giữa bài học từ thuở ấu thơ với đề thi Olympic Vật lý quốc tế là câu chuyện chưa từng nghe về Đinh Anh Dũng (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), chàng trai giành cú đúp huy chương vàng tại Olympic Vật lý châu Á và quốc tế.

Đinh Anh Dũng và bố tại phòng thí nghiệm khoa Cơ điện, Trường ĐH Mỏ - Địa chất.
Đinh Anh Dũng và bố tại phòng thí nghiệm khoa Cơ điện, Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Câu chuyện được chị Phạm Vân Anh – giảng viên khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất (Trường ĐH Mỏ - Địa chất), mẹ của Dũng - kể lại: Từ nhỏ, Dũng đã rất thích các chữ số, thích đọc các truyện tranh có nội dung về lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Chính nhờ những cuốn sách có nội dung về hiện tượng xảy ra trong tự nhiên mà Dũng bắt đầu ham mê tìm hiểu về lĩnh vực này.

Ngay từ nhỏ, có lần bạn ấy hỏi "Đá núi lửa là gì?", vì bệnh nghề nghiệp nên mình đã giải thích rất nhiều về hoạt động của núi lửa, sự thành tạo nên các loại đá. Giữa chừng bạn ấy bảo "Mẹ lấy cho con đá núi lửa" với lý do "Để con đập ra lấy kim cương".

Và thật bất ngờ, trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế vừa qua, phần thi thực hành đã hỏi về động đất và núi lửa. Dũng đã thành công, góp phần đem vinh quang về cho đất nước.

Sở thích, sở trường của Đinh Anh Dũng không khó lý giải, vì không chỉ có cả cha mẹ là giảng viên của Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ông ngoại của Dũng cũng là tiến sỹ khoa học của ngành Địa chất - cán bộ khoa Địa chất (nay là khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất) của trường này.

Có lẽ vì mối duyên đặc biệt này, sau khi giành huy chương Vàng tại Olympic Vật lý quốc tế, Đinh Anh Dũng đã cùng mẹ đến thăm trường.

“Em đã tham quan phòng truyền thống của nhà trường, nơi có trưng bày Luận án tiến sỹ khoa học của ông ngoại; thăm lại những góc nhỏ của trường, nơi làm việc của bố mẹ. Nhớ nhất là cuộc gặp với thầy Hiệu trưởng nhà trường- một Amser - hai thế hệ Amser ra trường cách nhau đúng 30 năm” – Đinh Anh Dũng chia sẻ.

Luôn trội lên vào những giờ khắc quan trọng

Chị Vân Anh chia sẻ: Dũng học khá nhàn, thường học trên lớp là chính và quá trình học tập cũng bình thường như các bạn khác, chỉ có điều vào một vài thời khắc quan trọng, bạn ấy tự trội lên.

Giữa năm lớp 4, lần đầu tiên có cuộc thi Violympic, Dũng cùng chị gái đã tích cực tham gia, và có lẽ đây cũng là dấu mốc quan trọng để bạn ấy tự tin tham gia vào các cuộc thi. Với bạn ấy, các cuộc thi mang tính thử sức chứ không ganh đua nên tâm lý rất thoải mái.

Năm lớp 5, Dũng đã mang về cho Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) một số thành tích đáng kể: Huy chương bạc Violympic quốc gia, giải khuyến khích tin học cấp thành phố...).

Thi đỗ vào khối THCS của trường Hà Nội Amsterdam, dù không có gì nổi trội, nhưng chính nhờ được học cùng bạn giỏi, thầy giỏi với phương pháp dạy học riêng rất thú vị mà Dũng được tôi luyện rất nhiều kỹ năng. Kết quả, cuối năm lớp 9, Dũng tiếp tục trở thành học sinh khối THPT của trường Hà Nội Amsterdam, lớp chuyên Lý.

Đầu năm lớp 10, Dũng tham gia kỳ tuyển chọn đội tuyển thi cuộc thi Khoa học trẻ giành cho lứa tuổi 15 (IJSO) và được chọn đi thi ở Argentina, sau giành được Huy chương vàng.

Năm lớp 11, không vào được đội tuyển thi Quốc gia, tuy hơi buồn nhưng không nản chí, Dũng đã cố gắng học tập và rèn luyện. Được sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của thầy cô, năm lớp 12, Dũng “phục thù” và giành giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia – bước đệm cho hai tấm huy chương vàng Olympic Vật lý Châu Á- Thái Bình Dương và Olympic Vật lý quốc tế.

Đinh Anh Dũng và mẹ Vân Anh tại Trường ĐH Mỏ Địa chất
Đinh Anh Dũng và mẹ Vân Anh tại Trường ĐH Mỏ Địa chất 

Người mẹ coi trọng việc truyền cảm hứng

Trao đổi về cách dạy con, chị Vân Anh tâm sự mình không ép con học nhiều. Hai chị em Dũng đều tự xác định mục tiêu học tập, mẹ chỉ tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm việc con được tiếp xúc với các thầy cô tâm huyết truyền cảm hứng yêu thích các môn học.

“Việc các bạn nhỏ được gặp gỡ thầy cô tâm huyết với nghề, biết động viên, khích lệ học trò trong học tập và rèn luyện thực sự là một điều may mắn. Dũng thực sự đã gặp được những thầy cô như vậy.

Các thầy cô luôn động viên Dũng mỗi khi bạn ấy không đạt được những đích cần đến và tin tưởng bạn ấy sẽ cố gắng hơn để thành công. Gia đình luôn biết ơn các thầy cô từ cấp tiểu học cho đến nay đã rèn giũa, giúp Dũng có cơ hội giành được những thành tích đáng kể” – chị Vân Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).