Chàng trai khởi nghiệp “Tri thức trẻ vì giáo dục”

GD&TĐ - Từng là công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2014, top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015 - Lê Yên Thanh (sinh năm 1994), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM đã cùng hai cộng sự nghiên cứu công trình “VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain”. Đây cũng là một trong 4 công trình đạt giải cao nhất tại Cuộc thi “Tri thức trẻ vì Giáo dục” năm 2018 tổ chức vào tháng 11 vừa qua.

Lê Yên Thanh
Lê Yên Thanh

Từ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài, về nước khởi nghiệp

Từng là một trong những sinh viên xuất sắc được thực tập tại trụ sở chính Googleplex của Google tại Mountain View, sau khi tốt nghiệp ĐH, Lê Yên Thanh nhận được nhiều cơ hội làm việc tại một số tập đoàn lớn ở nước ngoài về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhưng chàng trai đến từ An Giang đã có một quyết định khiến nhiều người bất ngờ… về Việt Nam để khởi nghiệp.

“Tôi trở về Việt Nam làm khởi nghiệp đơn giản là vì rất đam mê điều này, và tôi cảm thấy môi trường startup sẽ giúp bản thân học hỏi được nhiều hơn là làm việc ở các công ty lớn.

Ví dụ như cách phỏng vấn một người, cách tìm hiểu xem người mình phỏng vấn có phù hợp với vị trí còn khuyết hay không, cách làm việc với mọi người sao cho hiệu quả nhất, cách gọi vốn và làm việc với nhà đầu tư như thế nào để họ có thể hiểu ý tưởng cũng như ủng hộ mình… Đó là những điều có lẽ dù có làm ở Google hay những công ty lớn hàng chục năm vẫn không thể nào có cơ hội để học được. Và ít ai biết rằng, đó mới là những điều cần phải học nhất khi dấn thân vào con đường startup”, Yên Thanh chia sẻ.

Cụ thể, Yên Thanh đang là Giám đốc Công nghệ (CTO) của một phòng Lab nghiên cứu về Blockchain. Trước đó chàng trai 24 tuổi đã là CTO của một startup về tuyển dụng đã gọi vốn được 660.000 USD ở vòng seed round.

Nghiên cứu được 2 năm, chàng trai cùng hai cộng sự là Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích đã cho ra đời công trình đạt giải nói trên.

Trước khi giành giải cao tại Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018, khi còn là sinh viên, Lê Yên Thanh từng xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2013. Một năm sau, Yên Thanh trở thành Gương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM. Không ngừng ở đó, Thanh còn lọt vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015; cũng trong năm đó anh còn nhận được giải Nhì Nhân tài Đất Việt với đề tài “BusMap Xe buýt thành phố”.

Từ câu chuyện của bản thân mình, chàng trai 24 tuổi nhắn gửi “mỗi người đều có mục tiêu riêng, làm khởi nghiệp, làm cho các tập đoàn lớn hay tiếp tục học tiếp các học vị cao hơn. Mỗi một mục tiêu đều có ý nghĩa riêng, đối với bản thân tôi, tôi muốn nói một lời khuyên với các bạn trẻ rằng, dù bạn chọn mục tiêu nào thì cũng hãy luôn cố gắng hết mình cho mục tiêu mà bạn đã chọn. Dù cho kết quả có ra sao, thất bại hay thành công thì bạn cũng sẽ học được rất nhiều cho cuộc sống của bản thân cũng như con đường sự nghiệp về sau”.

Và giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục”

Nghiên cứu lĩnh vực công nghệ Blockchain, nhận thấy công nghệ này có rất nhiều tiềm năng để ứng dụng vào các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống và lĩnh vực giáo dục chính là mục tiêu mà Lê Yên Thanh và hai cộng sự của mình hướng đến.

Qua quá trình nghiên cứu khoảng 1 năm, VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain đã hoàn thiện và mang đến cuộc thi.

Tính ưu việt đầu tiên mà công trình mang lại là giúp tổ chức và lưu trữ dữ liệu thi cử một cách có hệ thống và phân tán dựa trên tính chất của Blockchain. Từ đó, góp phần tối ưu hoá về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử.

Nhờ công nghệ Blockchain, tất cả thông tin sẽ được minh bạch, rõ ràng như tổng số điểm mà thí sinh có, làm bài đúng hay sai, tại sao được số điểm đó và đặc biệt không thể bị tác động từ bên ngoài. Chẳng hạn như, khi thí sinh A đã nộp bài rồi thì không ai có thể thay đi bài làm của thí sinh A, kể cả người quản trị của hệ thống cũng không thể can thiệp.

Ngoài ra, từ hệ thống dữ liệu được lưu trữ đó, sản phẩm có thể cung cấp dịch vụ tra cứu kết quả thi cử của từng thí sinh phục vụ cho quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp, hay giúp doanh nghiệp tìm ra những ứng viên đã từng đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Nói về khó khăn mà nhóm nghiên cứu gặp phải trong quá trình nghiên cứu công trình nói trên, Yên Thanh cho rằng: Blockchain thực sự là một công nghệ mới và điều khó khăn nhất đối với nhóm chính là làm sao để thực sự am hiểu về Blockchain và vận dụng một cách tốt nhất cho dự án. Chọn hướng áp dụng Blockchain vào giáo dục có thể nói là chưa một sản phẩm nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang thực hiện.

Hiện tại hệ thống ở giai đoạn thử nghiệm và mới đủ khả năng phục vụ được những kỳ thi cho khoảng 10.000 người trở xuống. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để trong lương tai nó sẽ đáp ứng được những kỳ thi khoảng một triệu thí sinh. Và để áp dụng sáng kiến này vào thực tiễn, thì cần đáp ứng đủ về lượng máy tính phục vụ cho toàn bộ thí sinh dự thi.

Sau công trình này, Yên Thanh “bật mí”, trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu về Blockchain và tiếp tục phát triển những tiềm năng của Blockchain để ứng dụng vào các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, như VEC là một dự án phát triển về Blockchain và ứng dụng vào giáo dục.

 “Tri thức trẻ vì Giáo dục” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT phối hợp với một số đơn vị triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới GD-ĐT thông qua các công trình, sáng kiến. 
Bốn công trình, sáng kiến đạt giải cao nhất của năm 2018 gồm có: Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT); VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain; Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống; Phần mềm học tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ