Chàng trai 10 năm đánh giày học ĐH tâm tình với mẹ

Dù là một chàng trai rất nghị lực nhưng khi nhắc về người mẹ tần tảo khắc khổ của mình, chàng trai cũng không khỏi nghẹn lời.

Chàng trai 10 năm đánh giày học ĐH tâm tình với mẹ

Chàng trai Nguyễn Văn Phúc (Phúc Búa - Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ khiến chúng ta ngưỡng mộ về nghị lực khi vượt qua hoàn cảnh khó khăn hơn 10 năm đánh giày nuôi giấc mơ vào đại học, mà còn khiến ta thêm cảm động khi chia sẻ câu chuyện về gia đình.

Sau đây là đôi dòng tâm sự của Phúc: "Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố là thương binh nên cuộc sống của anh em tôi gặp vô vàn khó khăn. Năm lên 11 tuổi, bố cũng bỏ mẹ con tôi mà đi vì bạo bệnh. Một mình mẹ gồng gánh nuôi 5 đứa con ăn học và trả số nợ cả trăm triệu đồng từ khi chữa bệnh cho bố. Rồi các anh chị lần lượt nghỉ học để phụ giúp mẹ và nuôi em. Cuộc sống khi ấy thật vất vả.

Nơi ấy là Nhà Chàng trai 10 năm đánh giày học ĐH tâm tình với mẹ

Chàng trai nghị lực Nguyễn Văn Phúc

Khi mới là thằng học sinh cấp 2 non nớt, tôi đã quyết tâm tự mình đi kiếm tiền. Hàng ngày, tôi xin làm bốc vác cho xe khách chỉ để được đi miễn phí từ nhà (Thanh Oai) vào nội thành Hà Nội để đánh giày.

Chính cuộc sống khó khăn và đồng tiền ít ỏi kiếm được bằng nghề đánh giày khiến tôi càng nuôi ý chí thay đổi cuộc đời. Tôi mơ một ngày vào đại học, bởi chỉ có đại học mới thực sự là con đường ngắn nhất giúp tôi thay đổi số phận, giúp tôi đỡ đần mẹ được nhiều nhất.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa được gia đình đầu tư, bố mẹ quan tâm cho việc ôn thi chu đáo thì tôi vẫn lầm lũi ngày ngày ôm hộp đồ nghề ra phố đánh giày. Chỉ có lúc nửa đêm tôi mới được yên tĩnh ngồi ôn bài trong căn phòng trọ chật chội. Mỗi ngày cứ 4h tôi mới đi ngủ và 5h30 đã phải trở dậy đi làm.

Rồi những ngày hết tiền, tôi và những người bạn chung phòng chỉ húp cháo loãng với bột súp mì tôm để qua ngày. Thế rồi trời cũng không phụ lòng người tôi đỗ vào ngôi trường mình hằng mơ ước.

Để có thể trở thành sinh viên trường báo là những tháng ngày tôi đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt. Lên đại học cũng là lúc tôi phải đối mặt với những khó khăn khác. Nào tiền ăn, tiền học, chi phí sinh hoạt… Tôi bắt đầu xin cộng tác với các tờ báo, ngoài ra vẫn làm bạn với hộp xi và công việc đánh giày để kiếm thêm tiền tự trang trải cho cuộc sống của mình không để mẹ phải lo lắng thêm gì về tôi nữa.

Cuối cùng những tháng ngày gian nan ấy cũng qua đi, tôi ra trường và đi làm trong Đài Truyền hình. Cuộc sống lúc này đã đỡ đi phần nào nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cầm hộp đồ nghề ra khu phố cũ để tự nhắc mình về quãng thời gian đã qua.

Với tôi cuộc sống phía trước vẫn còn rất dài và tôi sẽ vẫn phải cố gắng. Tôi không chỉ phải cố gắng cho bản thân của chính tôi mà còn cho cả cuộc sống của mẹ - người phụ nữ đã vất vả cả một đời nuôi tôi lớn”.

Theo tiin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ