Quyết tâm xoá nghèo
Anh Nguyễn Văn Cần (bên phải) tặng quà cho người khuyết tật. |
Anh Cần bị khuyết tật vận động mất một cánh tay do bị tai nạn lao động năm 19 tuổi. Anh nhớ lại thời điểm đó được mọi người đưa đến viện, lúc tỉnh dậy thấy một bên tay không còn, anh đã bị sốc khi bỗng chốc trở thành người tàn phế.
Khi được ra viện, anh về nhà trong mặc cảm tự ti. Thậm chí, anh không nói chuyện với bất cứ ai, chỉ thu mình một góc.
Thế nhưng, cuộc sống khó khăn, cứ ngồi một chỗ cũng không thể nào khá lên được. Thậm chí lâu ngày, anh cảm giác như người thừa và gánh nặng của người thân.
Gần hai năm sau ngày mất một bên tay, anh Cần đã đi xin việc làm nhưng các công ty không nhận. Phần vì lo ngại sức khoẻ của anh, phần vì là người khuyết tật. Điều này giống như một cú sốc mới giáng xuống tinh thần mới được vực dậy của anh.
Thế nhưng, không ngừng ý chí quyết tâm khi vẫn còn đôi chân và một cánh tay, anh Cần đã xin bố mẹ mua cho một đôi lợn và vài con gà để nuôi. Anh nghĩ: “Nếu không thể đi làm thuê thì phải làm kinh tế tại gia. Nếu chỉ vì mất một cánh tay mà nản lòng thì không những nghèo mà còn làm ảnh hưởng đến những người thân”.
Ban đầu anh Cần tính phải nuôi lợn để sinh sản. Anh lên mạng học hỏi kinh nghiệm, mua thêm sách về đọc để lấy kiến thức. May mắn, đôi lợn đầu tiên đã cho ra một đàn lợn con. Cũng chính thời điểm ấy, anh nghĩ ngay đến mô hình trang trại lợn sẽ giúp mình thoát nghèo, thậm chí còn có thể giúp nhiều người cùng xoá sổ hộ nghèo.
Vốn liếng không có, anh Cần nhờ bố mẹ vay vốn ngân hàng để đầu tư làm mô hình xây dựng chăn nuôi. Lo lắng cho con nhưng thấy được quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, bố mẹ anh cũng thoả ước nguyện cho con trai.
Ban đầu, có những khó khăn về chọn giống, tìm đầu ra, gây dựng các lứa lợn,..Thế nhưng, làm việc gì cũng hỏi kinh nghiệm và mày mò kiến thức, anh Cần đã có thành công bước đầu.
Hiện, anh đã có một trang trại với 100 con lợn thịt và 8 lợn đẻ gây giống. Cùng với đó là 200 con gà nuôi đẻ trứng
“Người mất đi một cánh tay như tôi làm công việc chăn nuôi rất vất vả, không như những người khác. Mỗi lần cho lợn ăn, tôi luống cuống một tay không biết làm như nào. Nhưng tôi cứ tự mình động viên hãy cố gắng vượt qua bởi nhiều người còn khó khăn hơn mình. Mình tàn nhưng không phế . Tự tạo ra công việc và thu nhập cho chính mình đã khiến tôi tự tin hơn trong cuộc sống”, anh Cần nói.
Nuôi ý chí làm kinh tế với quy mô lớn
Anh chia sẻ thêm, khi xây dựng mô hình chăn nuôi cũng lo sợ không làm được, rồi không trả được tiền gốc và tiền lãi ngân hàng. Hàng đêm ngủ lúc nào anh cũng trăn trở suy nghĩ, và giấc mơ của người khuyết tật Nguyễn Văn Cần đã thành hiện thực khi trả được khoản nợ vay ngân hàng trong thời gian ba năm. Nhờ đó, anh không chỉ xoá nghèo mà còn nuôi ý chí tiếp tục làm kinh tế với quy mô lớn hơn.
Thế nhưng, hết nợ ngân hàng cũng là khi số tiền vốn đã vơi đi, anh Cần thêm suy nghĩ. Niềm hân hoan đã đến khi được giới thiệu ngân hàng chính sách cho người khuyết tật vay với lãi xuất thấp để làm kinh tế.
Có vốn, mở rộng trang trại chăn nuôi lại cần người phụ giúp. Anh nghĩ ngay đến việc giúp đỡ những gia đình hộ nghèo tại địa phương. Cùng thời điểm đó, 3 người khuyết tật vận động trong hội đã đến nhận việc và làm cùng.
Anh chia sẻ, đồng lương có thể không cao nhưng điều quan trọng hơn cả là kinh nghiệm chăn nuôi để người nghèo có thể tự làm chủ cuộc sống của mình, nhất là đối với người khuyết tật.
Ngoài việc chăn nuôi mô hình, những lúc rảnh anh vẫn tham gia công tác với hội người khuyết tật, anh tham gia cùng với hội người khuyết tật thị xã và phòng Lao động thương binh và xã hội của để trao đổi về việc cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho hội viên. Anh Cần luôn vận động người khuyết tật tham gia vào hội để được nắm bắt về chính sách, các chế độ ưu đãi dành cho người khuyết tật.
Vừa làm kinh tế, vừa nhiệt huyết chia sẻ công tác xã hội với CLB thanh niên khuyết tật và hội người khuyết tật, anh Cần coi đó là ngôi nhà chung để dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế tại địa phương.
Theo đó, anh Cần cùng ban chủ nhiệm CLB đã đi vận động xin nhà tài trợ được 14 chiếc xe lăn mỗi chiếc trị giá 3 triệu đồng và đi đến tận nhà trao cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh cũng tham gia hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19 trông các trạm chốt kiểm dịch, hỗ trợ 100 lọ sát khuẩn và khẩu trang đến người dân, vận động các công ty nhà hảo tâm được 20 triệu đồng để mua thực phẩm cho những xã bị cách ly.