Chân dung vị công tố viên "tử thần" của các chaebol Hàn Quốc

Không chỉ với lãnh đạo Samsung, vị công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc từng “nhẵn mặt” với nhiều lãnh đạo tập đoàn và chính khách vướng vào vòng bê bối, theo Bloomberg.

Chân dung vị công tố viên "tử thần" của các chaebol Hàn Quốc

Chính Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chỉ định vị công tố viên 65 tuổi này làm rõ cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil vào tháng 11 năm ngoái.

Từng là lãnh đạo của Văn phòng công tố viên cao cấp Seoul, ông Park Young-soo là một trong hai ứng viên được đảng đối lập đề cử theo luật pháp Hàn Quốc.

Ông đã thành lập tổ điều tra gồm 105 thành viên, truy tìm bằng chứng liên quan đến cáo buộc tham nhũng của Tổng thống và bắt giữ nhiều nhân vật thân tín của bà.

Hiện giờ, ông đang điều tra 30 nghi can, nổi bật trong số đó là tỷ phú Jay Y. Lee, Phó chủ tịch và là người lãnh đạo trên thực tế của tập đoàn công nghệ Samsung. Ông đang vướng cáo buộc đổi tiền lấy đặc ân trong kinh doanh từ chính phủ.

Tử thần của chaebol

Chan dung vi cong to vien

Ông Park đã điều tra người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil của Tổng thống Hàn Quốc.

Việc đưa người thừa kế đế chế kinh doanh 238 tỷ USD vào nhà giam được xem là “thành tích” đáng nể nhất của vị công tố viên. Trước đây, ông Park từng bắt giam hai lãnh đạo chaebol (công ty gia đình) khác.

Năm 2003, ông phanh phui bê bối gian dối tại tập đoàn SK Group và bắt giữ Chủ tịch Chey Tae-won.

Ba năm sau đó, ông theo đuổi vụ điều tra rửa tiền nhằm vào Hyundai Motor, kết quả là Chủ tịch Chung Mong-koo bị bắt giữ.

Cả hai nhân vật tiếng tăm này đều bị kết tội sau đó và được ân xá ra tù sớm hơn thời hạn.

Ông được báo chí Hàn Quốc đặt biệt danh là “Tử thần của chaebol”.

Các chaebol top đầu không nghĩ mình ở cùng đẳng cấp với thường dân Hàn Quốc, ông Hank Morris, cố vấn của công ty dịch vụ tài chính Argentarius Group, người đã có 30 năm sống ở đây nhận xét.

“Họ cho rằng họ thuộc một giai tầng thượng lưu khác, tựa như giới quý tộc trong hoàng gia”, ông nói.

Sinh nghề tử nghiệp

Ông Park sinh năm 1952 tại hòn đảo Jeju, cách xa trung tâm của quyền lực và sự xa hoa. Ông tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul chuyên ngành tâm lý học, sau đó lấy bằng thạc sỹ khoa luật tại Đại học Hàn Quốc.

Ông bắt đầu sự nghiệp năm 1983 trong văn phòng công tố viên của thành phố Seoul. Những ngày đầu, ông nhận nhiệm vụ triệt phá các băng đảng, ổ cờ bạc và tội phạm buôn ma túy.

Ông bắt đầu làm công tố viên vào năm 1987, khi điều tra vụ tự tử tập thể của 32 thành viên trong một nhóm tôn giáo.

Ông được thăng chức lên giám đốc Văn phòng công tố viên cao cấp của Seoul trước khi về hưu vào năm 2009.

Đã có lần ông suýt tử vì nghiệp. Sau khi chuyển sang làm luật sư tư, năm 2015, ông từng bị đối thủ bại trận trả thù bằng dao rọc giấy ngay ngoài văn phòng. Mặc dù né được cú đòn hiểm, ông vẫn lĩnh một vết rạch sâu dài 15cm trên cổ, phải khâu hai lần mới kín vết thương.

Khi không ra tòa, ông thường viết blog về công việc giảng đạo Khổng tử. Ông miêu tả bản thân trên trang blog là người “nồng nhiệt và không thỏa hiệp”, một người muốn “xây dựng một xã hội công bằng”.

Trù dập

Chan dung vi cong to vien

Phó chủ tịch Jay. Y. Lee của Samsung ngày hầu tòa.

Các tỷ phú cứ vào tù ra khám, còn tỷ lệ ủng hộ của nhà công tố viên ngày càng tăng trong dư luận Hàn Quốc. Nhiều người dân vẫn lặn lội đến vùng ngoại ô Seoul, đặt trước văn phòng ông nhiều hoa và socola, với những tấm thiệp ghi: “Hãy tiếp tục chiến đấu!”.

Tuy nhiên ông không được lòng tất cả mọi người. Một số người dân Hàn Quốc trung tuổi cho rằng ông là một công tố viên mù quáng, mạo hiểm, người “trù dập” vô lý người thừa kế Samsung. Họ cho rằng những người như ông Lee cần được cứu vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế.

Những người phản đối đã tụ tập lại để la ó những công tố viên đặc biệt, buộc chính phủ phải bố trí vệ sĩ để bảo vệ riêng ông Park.

Sau này, ông thừa nhận ban đầu đã chần chừ khi được bổ nhiệm làm công tố viên dẫn đầu nhóm điều tra vì vụ việc có mức độ nghiêm trọng quá lớn.

Tuy nhiên khi nhìn lại cả sự nghiệp, thì “tôi cảm thấy không thể từ chối khi được yêu cầu làm rõ những hành vi sai trái. Nó đi ngược lại với nguyên tắc sống của tôi” - Ông trả lời đài phát thanh.

Theo BizLIVE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ