Theo AP, không quân Iraq đã dùng trực thăng tấn công một số vị trí ở phía bắc thủ đô Baghdad, chặn đà tiến của lực lượng phiến quân về thủ đô.
Cùng lúc, Mỹ đã cho điều tàu sân bay USS George H.W. Bush tới vùng Vịnh, sẵn sàng cho tình huống nếu Washington quyết định không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).
Tình hình đã có biến chuyển khi chính quyền huy động được thêm hàng ngàn người cầm súng sau lời kêu gọi của một giáo sĩ cấp cao huy động dân vũ trang để chống lại ISIL.
Theo AP, ở Mosul, nơi có hơn nửa triệu người chạy trốn vì chiến sự tuần trước, đang có hàng ngàn người dân trở lại khi lực lượng ISIL hứa cung cấp dầu, lương thực giá rẻ và sớm phục hồi điện nước. Nhiều người Sunni coi lực lượng ISIL như là quân giải phóng khỏi ách thống trị của chính quyền al-Maliki. |
Với sự giúp đỡ của các tay súng Shiite, quân Baghdad đã giành lại được một số thị trấn quanh Samarra hôm 14/6. Các nguồn tin an ninh nói quân Iraq tấn công nhóm quân ISIL ở thị trấn al-Mutasim, cách thị trấn Samarra khoảng 22 km về phía đông nam, buộc các tay súng này phải chạy vào sa mạc. Quân chính quyền cũng đã giành lại quyền kiểm soát các thị trấn Ishaqi để đảm bảo tuyến đường nối từ Baghdad đi các thành phố Tikrit và Mosul ở phía bắc.
“Chúng tôi đã lấy lại được đà và sẽ không ngừng lại ở việc giải phóng Mosul khỏi ISIL mà tất cả các khu vực khác” - Tướng Qassim al-Moussawi, người phát ngôn của tổng tư lệnh quân đội Iraq, nói. Đã có thông tin về việc Mỹ có thể cung cấp gói viện trợ quân sự lớn nữa cho Iraq.
Các nguồn tin dù vậy nói Washington sẽ chưa công bố gói này nếu không có đảm bảo là các nhóm Sunni, Shiite và người Kurd ở Iraq dàn xếp được các bất đồng với nhau.
Đà tiến như vũ bão của lực lượng ISIL trong tuần trước khiến cả Mỹ và Iran rúng động. Lực lượng hơn 650.000 quân của Baghdad liên tục buông súng bỏ chạy trước đoàn quân ước tính chỉ có khoảng 7.000-8.000 tay súng của ISIL. Giá dầu thế giới cũng nhảy vọt do lo ngại ISIL có thể làm ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu của Iraq.
Những diễn biến tại Iraq đang có nguy cơ phá vỡ đường biên giới từng được định hình cách đây gần một thế kỷ - được các nước châu Âu vẽ ra sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự sụp đổ của đế chế Ottoman.
Các bất ổn mới đang có nguy cơ làm xáo trộn một loạt nước như Syria, Iraq, Libăng và Libya - các nước được thành lập sau sự sụp đổ của đế chế này.
Biên giới Trung Đông hiện nay được chính quyền Anh, Pháp thỏa thuận từ năm 1916 để xé nhỏ đế chế Ottoman ra thành các khu vực ảnh hưởng.
Một loạt hiệp ước sau đó cho ra đời các nước Libăng, Syria, Iraq, Jordan, Palestine... hiện tại. Đường biên giới mà Anh và Pháp ký khi đó hoàn toàn không đếm xỉa tới thực tế các nhóm tôn giáo, sắc tộc khác nhau trong vùng.
Ví dụ vùng Mosul nơi có đông người Sunni và người Kurd ở phía bắc bị gộp vào với Baghdad và khu vực đông dân Shiite ở phía nam để hình thành nên Iraq.
Syria là phần tách ra của hai tỉnh Aleppo và Damascus của đế chế Ottoman cộng với phần bờ biển vốn chi phối bởi người Alawites - một nhánh của nhóm Hồi giáo Shiite.
Libăng vốn là một cộng đồng Thiên Chúa giáo thuộc Pháp, được thêm các vùng có người Sunni và Shiite tạo nên một hỗn hợp từng dẫn đến nội chiến và bản thân nước này lúc nào cũng trong tình trạng bất ổn chính trị.
Sau khi thành lập các chính quyền mới, các nước Ả Rập tìm mọi cách để duy trì đường biên giới này, nhiều lúc phải dùng chính sách bàn tay thép, đàn áp đẫm máu.
Trong mấy năm gần đây, những diễn biến ở Trung Đông đã làm sống lại những hận thù cũ, đặc biệt giữa các nhóm Hồi giáo Shiite và Sunni.
AP trích lời GS Fawaz Gerges của ĐH Kinh tế London nói những diễn biến mới là để định hình lại các chính phủ vốn không giải quyết được các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trong khu vực.
“Trật tự hiện tại đã sụp đổ - Ông nói - Ngày càng nhiều người nhận ra hệ thống hiện tại đang nổ tung”. Việc các nhóm chiếm được Mosul và Tikrit càng khiến giấc mơ về một đất nước Hồi giáo mới trở nên gần hơn bao giờ hết cho ISIL.
Hiện nhóm ISIL đã chiếm được vùng đất lớn ở phía đông Syria dọc dòng sông Euphrates cùng một số vùng kéo dài tới Aleppo, thành phố lớn nhất Syria ở phía tây.
Việc giữ được Kirkuk càng củng cố giấc mơ từ lâu của người Kurd về một quốc gia độc lập. Hiện các cường quốc đều không muốn việc sắp xếp lại biên giới.
Ví dụ cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều phản đối việc cộng đồng người Kurd muốn tuyên bố độc lập khỏi Iraq. Tại các khu vực chiếm đóng được, lực lượng ISIL ngoài kiểm soát về mặt quân sự đã thu thuế, áp dụng luật Shariah.