Chấn chỉnh những mặt trái của vận động tài trợ trong giáo dục

GD&TĐ - Chỉ khi mọi việc được rõ ràng, khách quan, đúng đối tượng, đúng mục đích thì khi đó mới có thể tạo động lực cho các mạnh thường quân tích cực tài trợ cho giáo dục. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiện nay không phải không có kinh phí để tài trợ mà họ e ngại nguồn tài trợ của mình sẽ bị sử dụng sai mục đích hoặc sẽ bị thất thoát.

Việc vận động tài trợ cho giáo dục đóng vai trò hết sức to lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh  minh họa/internet
Việc vận động tài trợ cho giáo dục đóng vai trò hết sức to lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa/internet

Chấn chỉnh mặt trái của vận động tài trợ trong giáo dục

Thực tiễn cho thấy, hoạt động tài trợ cho giáo dục thời gian qua bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót; nhiều khe hở để cho các đơn vị lợi dụng để lạm thu, sử dụng không đúng mục đích, chi sai tiền tài trợ, gây lãng phí, không hiệu quả. Nhiều Ban cha mẹ học sinh đã lợi dụng danh nghĩa tài trợ để thu các khoản kinh phí ngoài quy định, gây nên sự bức xúc cho phụ huynh và chính những điều đó đã làm mất đi tính tự nguyện cũng như bản chất tốt đẹp của các hoạt động tài trợ cho giáo dục.

Nhận thức được điều đó, ngày 3/8/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT, quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục những bất cập trong hoạt động tài trợ, đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ trong lĩnh vực giáo dục.

Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT đã nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản trong việc tài trợ, đó là: Phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí. Không tiếp nhận các hiện vật không đáp ứng mục đích sử dụng trong cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.

Như vậy, với những nguyên tắc này, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chấn chỉnh những mặt trái của quá trình vận động tài trợ trong giáo dục, xây dựng được niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp khi triển khai các hoạt động tài trợ.

Về hình thức, các nhà tài trợ có thể tài trợ cho cơ sở giáo dục thông qua 3 hình thức tài trợ bằng tiền, hiện vật và phi vật chất phù hợp với thực tiễn của cơ sở giáo dục và đáp ứng được yêu cầu của người học.

Thông tư đã quy định rõ những nội dung được vận động như: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Không tiếp nhận tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Với những quy định này, nhà tài trợ hoàn toàn có thể yên tâm về mục đích sử dụng các nguồn tài trợ, từ đó sẽ động viên các tổ chức, cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp tích cực ủng hộ tài trợ cho các hoạt động giáo dục.

Chấn chỉnh những mặt trái của vận động tài trợ trong giáo dục ảnh 1

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ những nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp đã có điều kiện để tiếp tục học tập 

Minh bạch quản lý, sử dụng các khoản tài trợ trong giáo dục

Thông tư 16 đã giải quyết những trăn trở này một cách thấu đáo, hợp lý và hợp tình. Trong đó, từng khâu của quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ đều được công khai minh bạch, có sự giám sát của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường.

Việc triển khai các hoạt động vận động tài trợ cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể về đối tượng vận động, nội dung, hình thức tài trợ, mục đích sử dụng, dự toán tài chính... và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ít nhất 15 ngày. Việc quản lý các khoản tài trợ tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm.

Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diên cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.

Với các quy định cụ thể trên sẽ không còn tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua; cơ sở giáo dục tránh lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh dưới dạng cào bằng, ép buộc, sử dụng không đúng mục đích, chi sai tiền tài trợ, gây lãng phí, không hiệu quả, làm sai lệch ý nghĩa tích cực của hoạt động tài trợ.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội cho ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Thông tư kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Đồng thời cũng nhấn mạnh, tùy thuộc vào từng hoạt động cụ thể, các cơ sở giáo dục cần có sự ghi nhận, tôn vinh các nhà tài trợ một cách thỏa đáng để góp phần tạo hiệu ứng trong xã hội.

Từ những nội dung cơ bản được đề cập đến trong Thông tư số 16, chúng ta có quyền tin tưởng và hi vọng trong thời gian tới các hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục sẽ đi vào khuôn khổ, nề nếp, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm thu, động viên, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư, tài trợ cho giáo dục.

Nhà tài trợ sẽ biết họ tài trợ để làm gì, người được nhận tài trợ sẽ biết nên làm gì với những nguồn tài trợ đó, tất cả đều vì một mục đích chung đó là thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục và đào tạo nước nhà, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Việc vận động tài trợ cho giáo dục đóng vai trò hết sức to lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang còn gặp nhiều khó khăn. Chính từ sự tài trợ của các doanh nghiệp, của phụ huynh và cộng đồng xã hội thì việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp ở nhiều địa phương đã được hoàn thiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. 

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ những nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp đã có điều kiện để tiếp tục học tập và theo đuổi ước mơ của mình, xây dựng những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân, tương ái và đầy tính nhân văn trong GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ