Chăm lo đồng bào bị nạn dịch

GD&TĐ - Năm Ất Dậu (1945), miền Bắc bị nạn đói, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lên Hà Nội xin ăn, chết rất nhiều.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School) - ngôi trường nuôi dưỡng và đào tạo các em nhỏ không may mất cha mẹ vì Covid-19. Ảnh minh họa: INT
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School) - ngôi trường nuôi dưỡng và đào tạo các em nhỏ không may mất cha mẹ vì Covid-19. Ảnh minh họa: INT

Các tổ chức từ thiện đã mua đất, an táng tập thể đồng bào tại các nghĩa trang Hợp Thiện (đường Kim Ngưu, Hà Nội).

Ở khắp các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, ở đâu cũng có những khu mộ tập thể như vậy, như Mả Quán, xã Quảng Đại (trước là huyện Quảng Xương, nay là thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa), bãi Âm hồn, khu Hai Dốc (thành phố Thái Nguyên), khu mộ ở Làng Trung (Nghệ An) hay những nấm mồ hoang ở Thổ Ngọa (Quảng Bình)…

Ngược dòng lịch sử, thời xa xưa sử sách không còn ghi chép, nhưng từ thời Lê Mạt, sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng cho biết, vào năm Bảo Thái thứ ba (1722), đời vua Lê Dụ Tông, vào tháng 9, chúa Trịnh Cương sai các quan Tham tụng, Bồi tụng trong phủ chúa là bọn Trịnh Quán, Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vâng mệnh lấy một khu quan điền gồm 17 mẫu hai sào sáu thước thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy) phía Tây ngoại thành Thăng Long và một khu ruộng gồm 14 mẫu 1 sào ở xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) đặt làm nghĩa địa. Sau đó, chúa cho phép quan đề lĩnh kinh thành biểu thị cho mọi người biết phàm những người nghèo khó đã chết đói hoặc chết dịch xương vùi ở bên đường thì cho phép được cải táng vào chỗ nghĩa địa ấy.

Sang thời Nguyễn, mỗi khi các địa phương có nạn dịch, vua đều sai quan tỉnh thống kê số dân bị chết, cấp tiền tuất, vải cho các gia đình có người mất để mai táng. Tuy nhiên, hầu hết trong các nạn dịch, người bị nạn rải rác ở các địa phương, nên không có việc quy tập mộ chí tại một nghĩa trang.

Vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), theo sử triều Nguyễn, sau khi có nạn ôn dịch, nhà vua xem con số thống kê hộ khẩu cả nước, sau đó thân làm bài kỷ sự hộ khẩu để ghi, đại ý nói: “Năm Minh Mạng thứ nhất, bộ Hộ tâu dâng sổ binh dân hộ khẩu năm Gia Long thứ 18, tất cả là 613.912 người. Không ngờ, mùa Thu năm nay bệnh ôn dịch phát lớn, khởi đầu từ các nước ở Tiểu Tây Dương (Indonesia ngày nay) qua Hạ Châu (Singapore), trải đến Xiêm La (Thái Lan), Chân Lạp (Campuchia), rồi đến nước ta.

Lại nhiễm đến nước Đại Thanh và các nước miền Đông Bắc cũng đều mắc tai nạn ấy. Tuy nước ta bị tai nạn không quá lắm như các nước, song khí độc làm hại khắp thành thị hương thôn, nửa đêm bàng hoàng, thật là đau thương. Vả lại thiên tai lưu hành khắp cả bốn biển, già trẻ đều biết, mà mình ở đầu muôn dân, không thể thi hành nhân chính cho khắp để cầu phước trời thì tránh sao được lỗi?”.

Vua Minh Mạng cũng kể lại những hành động của bản thân và triều đình để đối phó với dịch bệnh: “Ta dẫu chưa dám mong sánh với bậc hiền triết đời xưa, một lời cảm động, đổi tai làm lành, nhưng muốn mở rộng lòng thương xót để gấp cứu tai thương. Rồi giáng chỉ mở rộng kho tàng, chẩn cấp cho người chết dịch, không cứ đàn ông, đàn bà, già hay trẻ, số tiền không ngờ tốn đến hơn 73 vạn quan.

Lại sai thành, trấn đều sắm thuốc men chữa trị, sống thoát khỏi rất nhiều, rồi yên lành ngay. Sau sức Hộ bộ tư hỏi số tử vong trong số hộ khẩu ở sổ thống kê là 26.835 người, và số nhân dân phụ nữ không có trong sổ cũng mất ngang thế. Ta xem lời tâu, rỏ nước mắt đau lòng không xiết. Kể ra một tấc đất, một người dân, đều là Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế (tức vua Gia Long) để lại khi mới nối ngôi”.

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), ở miền Bắc cũng có dịch bệnh lớn, các tỉnh báo về triều đình rằng dân bị chết dịch đến sáu bảy nghìn người. Các quan khoa đạo dâng sớ lên nhà vua, có ý cho rằng việc hình ngục hoặc có chưa công bằng, dân tình hoặc có uất ức, kẻ gian tham hoặc làm hại dân, nên can phạm khí hòa của trời, xin chọn phái quan đại thần đi đến xét hỏi, phàm có việc án khó khăn thân oan xét xử cho ngay; dân gian bị tật khổ phải đề tâu lên ngay. Lại xin thêm sửa đức chính, để làm gốc triệu lại khí hòa.

Vua bảo Nội các rằng: “Lẽ Trời và người có cảm và ứng, rất là không đổi, lời bọn Khoa đạo nói hoặc cũng có lý, nhưng năm nay các hạt bỗng gặp tai họa riêng; sự thể không ví như năm trước tỉnh Nam Định khổ vì binh hỏa nhiều, tất phải phái Kinh lược đại thần ra xét”.

Sau đó, nhà vua giáng dụ cho Thượng ty các tỉnh xét hỏi trong hạt, nếu có hình ngục oan lạm, quan lại tham ô và tất cả dân tình lại tệ ngầm giấu không chịu tâu lên, thì cứ thực tâu lên, các Thượng ty làm việc từ trước hoặc có chỗ không phải, cũng chuẩn cho tự kiểm điểm tâu lên đợi chỉ sửa đổi. Nhà vua cũng sai các quan về các địa phương bị tai họa, hỏi xét dân tình, lại tệ, theo sự thực tâu trình. Khi đến nơi rồi dâng sớ nói triều đình gia ơn ban tiền cấp cho nạn dân, dù nhiều đến hàng vạn, vẫn không tính đến.

Tuy nhiên, nhà vua dụ tiếp cho họ rằng: “Ta nghe nói dân gian hoặc có nhà chết cả, hoặc có thôn trang bé nhỏ chỉ còn năm ba người, nếu cấp phát như nhau, thì Tổng lý sở tại sẽ mập mờ tên để lĩnh, chẳng hóa ra làm cho bọn chúng đầy túi riêng ư? Huống chi từ trước đến nay đem sống làm chết, đem bỏ sót làm có trong sổ, mối tệ như thế, thường thường vỡ lở, nếu không sớm đề phòng, sợ sau vài năm cũng kiện cáo luôn, án từ ngày một nhiều, người chết chưa chắc được nhờ, mà người sống lại theo nhau mắc vào hình pháp, xin nên đình cấp”.

Do đó, vua chuẩn cho bộ Hộ bàn sai truyền chỉ cho các địa phương sở tại, nơi nào trót đã xét cấp thì thôi, nếu chưa xét cấp, thì tiền tuất tạm để ở tỉnh, đợi sau lệ khí yên tĩnh, tức thì phái viên hội đồng với phủ huyện thân đến nơi dân bị nạn, hỏi rõ nhà nào toàn không có thân thuộc lĩnh thay thì không nên chiểu cấp, còn thì đều chiểu hạng mà cấp, cho thân nhân người chết lĩnh ngay trước mặt các quan để tránh việc sai sót.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ