Chấm dứt cưỡi voi!

GD&TĐ - Hồi giữa tháng 12/2021, tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á (AAF) trong việc xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan hữu quan và các hộ sở hữu voi nhà trong tỉnh sớm triển khai mô hình “du lịch sinh thái thân thiện với voi” để tiến tới chấm dứt tình trạng “cưỡi voi” tại các khu du lịch khiến sức khỏe của một số cá thể voi ngày càng suy kiệt.

Hồi giữa tháng 12/2021, tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á (AAF) trong việc xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi. Thỏa thuận này nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà trên địa bàn.

Đắk Lắk là nơi có số lượng voi nhiều nhất nước với khoảng 500 con vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau gần 40 năm, số voi của tỉnh này hiện còn 41 con trong đó có 19 con trên 40 tuổi, không còn khả năng sinh sản.

Ngoài việc diện tích rừng ngày một thu hẹp khiến loài voi không còn chỗ trú ngụ để tiếp tục phát triển đàn, một nguyên nhân khác khiến đàn voi giảm nhanh là tình trạng săn bắt voi để lấy ngà hoặc đưa về các hộ gia đình để thuần dưỡng khiến voi không còn khả năng sinh sản như khi ở rừng tự nhiên.

Hiện, địa phương này có hai khu du lịch sử dụng voi vào mục đích “mua vui” cho du khách là huyện Lắk và Bản Đôn. Những năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, những địa chỉ du lịch nói trên luôn đông khách. Màn “mua vui” quen thuộc là khách mua vé để được cưỡi voi.

Trên lưng voi người ta thiết kế một “khoang” dành cho khách. Nhiều khi, voi phải “cõng” trên lưng nó 300 – 400 kg là bình thường. Bắt đầu từ 8 giờ sáng, voi “cõng” khách đến tối mịt mới được nghỉ. 6 chú voi ở khu du lịch này có hôm phải “cõng” trên lưng 2 nghìn khách!

Bên cạnh làm việc quá sức, những con voi tại các khu du lịch này còn bị khách vặt cho… trụi lông đuôi. Không biết ai đã rỉ tai nhau rằng nếu sở hữu một chiếc lông ở đuôi voi rồi mang theo người thì sẽ loại được điều xui xẻo. Lời đồn thổi ấy khiến đuôi voi bị vặt trụi lông là vậy.

Chưa hết, về phía các “nài voi” (người quản tượng), mỗi người cầm một cây roi, đầu được gắn với móc sắt để “điều khiển” voi theo yêu cầu của khách như quỳ gối, hút nước, hút cát phun lên lưng… Những con voi nào không “vâng lời” thì bị “phạt” bằng các hình thức rất đau đớn. Đầu nhiều con voi chi chít dấu vết của các đòn “trừng phạt” này.

Rất khó để voi sinh sản nếu chúng được “trưng dụng” vào các khu du lịch để mua vui cho du khách và nhận những hình phạt đau đớn như thế.

Tỉnh Đắk Lắk từng đưa ra mức thưởng cho những con voi nhà nào mà sinh con thì sẽ nhận 400 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thưởng hấp dẫn ấy cũng không làm cho đàn voi ở tỉnh này tăng thêm.

Chỉ chấm dứt hoàn toàn việc đưa voi vào phục vụ du lịch theo hình thức như lâu nay thì may ra mới cứu được đàn voi khỏi tuyệt chủng mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ