Con bị lé, mẹ không hay
Nhiều người nghĩ, viễn thị chỉ xảy ra ở người trưởng thành, nhưng tật khúc xạ này rất thường gặp ở trẻ. Thế nên nhiều phụ huynh chủ quan, một thời gian dài mới phát hiện.
Đều là nhân viên kiểm toán của một công ty nước ngoài nên vợ chồng chị Nguyễn Hà P. (P.Tân Quy, Q.7) thường đi sớm về trễ, giao con cho bà nội và người giúp việc trông. Lúc con gái được ba tuổi, chị P. thấy mắt con có biểu hiện lạ, hơi nghiêng đầu khi nhìn nên nói với chồng nhưng chồng chị gạt ngang, cho là mắt con lé kim có duyên. Đến khi con thường xuyên vấp té, va đầu vào cạnh bàn, góc cột, tường nhà, anh chị lại nghĩ bé có vấn đề ở xương nên đưa đi khám. Bác sĩ (BS) chụp chiếu kiểm tra xương thấy bình thường và hướng dẫn gia đình cho cháu đi khám mắt. BS BV Mắt kết luận bé bị viễn thị 8 độ và loạn 3 độ cả hai mắt làm vợ chồng chị P. lo lắng, sợ thị lực khó phục hồi như BS cảnh báo.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Phụ huynh chủ quan và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân chính khiến trẻ bị viễn thị kéo dài. Có không ít trường hợp mắt con bị lé nặng nhưng phụ huynh cho là bẩm sinh, bình thường.
Chị Phan Thu H. (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) kể: “Con trai tôi gần năm tuổi, theo chị khám đau mắt đỏ, BS thấy mắt em bị lé nên kêu khám luôn. Không tin kết quả con trai bị viễn thị 6 độ, tôi đưa con sang nơi khác khám, BS vẫn kết luận viễn thị và còn la làm mẹ kiểu gì mà để con bị viễn thị đến mắt lé mà không hay. Nếu con không phục hồi thị lực, tôi hối hận suốt đời”.
Chị Ngọc Hoa (đường Hoàng Diệu, Q.4) than thở: “Con gái tôi mới 23 tháng đã bị viễn thị nặng, mắt trái 6 độ, mắt phải 5 độ. Tôi đang rất hoang mang không biết vì sao con bệnh và bé có chữa khỏi hoàn toàn không”.
Sau một tuổi, cần đưa trẻ đi khám mắt
Theo BS Nguyễn Xuân Hồng, viễn thị ở trẻ là tật khúc xạ bẩm sinh rất thường gặp. Mắt có kích thước bình thường là chính thị, to hơn mắt bình thường là cận thị và nhỏ hơn mắt bình thường là viễn thị. Khi đó, ánh sáng đi vào mắt đến võng mạc vẫn chưa hội tụ lại mà hội tụ đằng sau võng mạc. Do điểm hội tụ của mắt viễn thị ở phía sau mắt nên để nhìn rõ, trẻ lúc nào cũng phải điều tiết mắt nên rất dễ bị mỏi mắt.
Ngoài ra, trẻ bị viễn thị thường xuyên co cơ điều tiết để nhìn rõ nên dẫn đến tình trạng lé trong (lé do điều tiết). Dấu hiệu cho thấy trẻ bị viễn thị là mỏi mắt, không nhìn rõ và mắt lé. Cách điều trị tật khúc xạ này là trẻ đeo kính viễn, bù trừ hết tật viễn thị, trẻ nhìn rõ và hết lé trong. BS Hồng cho biết, mắt viễn thị bẩm sinh đã không nhìn rõ, phải điều tiết liên tục, nên nếu không điều trị, rất dễ đưa đến nhược thị là thấp thị lực, dù sau này có đeo kính (nếu lớn lên mới chữa, mới đeo kính thì 100% trường hợp không phục hồi được).
Sai lầm thường gặp của cha mẹ là tự làm BS cho con. Nhiều phụ huynh sau khi cho con đi khám, được BS cho kính phù hợp về đeo để điều trị viễn thị, nhưng lên mạng, thấy nhiều người khoe chữa cho con mau hết viễn thị bằng cách “che một bên mắt, tập tô màu, tập vẽ” nên bắt chước
Theo các chuyên gia, điều trị mắt rất nhạy cảm, vì đây là bộ phận vô cùng quan trọng, phụ huynh phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của BS. Tùy từng trường hợp, tùy độ tuổi, tùy tật khúc xạ mà BS có cách điều trị phù hợp trên từng cá nhân cụ thể và phải theo dõi thường xuyên để có sự điều chỉnh kịp thời. Không thể thấy bé hàng xóm có bài tập che mắt, tô màu (cách chữa viễn thị nhưng bất đồng khúc xạ hai mắt - nhược thị) mà áp dụng cho con mình. Ngoài ra, nhiều phụ huynh nhầm giữa viễn thị với lão thị vì cùng đeo kính cầu lồi. Có không ít bà mẹ bị bà ngoại, nội hay hàng xóm tác động: “Trời ơi, kính gì mà người lớn đeo vào còn nhìn không rõ, đi muốn té thì làm sao con nít chịu nổi” nên chỉ cho con đeo kính cầm chừng.
Nhằm phát hiện sớm tình trạng trẻ bị viễn thị để lại hậu quả giảm thị lực của trẻ, BS Nguyễn Xuân Hồng khuyên: “Ngay cả khi mắt trẻ bình thường, trẻ không bị gì thì ngoài mộ t tuổi cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt. Vì nếu trẻ có dấu hiệu mờ mắt, bị lé trong thì khi đó mắt đã có rối loạn, tình trạng đã nặng, việc chữa trị sẽ kéo dài và tốn kém hơn”.