Cha mẹ học từ con - tại sao không?

GD&TĐ - Trong suốt quá trình nuôi nấng và dạy dỗ con, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng chúng ta có bộ óc hoàn hảo, chúng ta giỏi hơn con, chúng ta nghĩ gì và làm gì cũng đúng... Nhưng trên thực tế, đôi khi chúng ta tồi hơn chúng ta tưởng nhiều, thậm chí còn là sản phẩm chứa đầy lỗi với không ít thiếu sót. Những lúc ấy, con của chúng ta - những đứa trẻ bị cha mẹ nghĩ rằng là luôn sai và còn lâu mới có thể lớn, nghĩ gì?

Cha mẹ học từ con - tại sao không?

Khi con làm quân sư

Một buổi tối, đứa con 5 tuổi của tôi có ý tưởng vẽ về các trạng thái khác nhau trên khuôn mặt. Sau vào hồi suy nghĩ tìm hiểu, cháu cũng vẽ được khoảng hơn 10 khuôn mặt khác nhau. Hoàn thành xong, cháu tâm đắc lắm, rồi quay sang hỏi tôi:

- Mẹ ơi, mẹ chọn gương mặt nào?

- Mẹ chưa biết chọn hình nào, con gợi ý cho mẹ được không?

- Vậy mẹ chọn gương mặt tươi cười đi nhé! Rồi mẹ chọn hình tiếp nữa.

- Mẹ chọn cái mặt thông minh được không con?

- Ơ, mẹ là con gái cơ mà, mẹ nên chọn mặt xinh đẹp!

Cha mẹ học từ con - tại sao không? - 1

Một đứa trẻ hoàn toàn có thể làm “quân sư” cho cha mẹ nếu như chúng ta tôn trọng và lắng nghe con.

Tôi thực sự ngây người trước những gợi ý tưởng chỉ là ngẫu nhiên của con. Bởi hai gợi ý ấy của con khiến tôi phải suy nghĩ và nhìn lại bản thân mình. Có lẽ lâu nay, cuộc sống bề bộn lo toan khiến tôi ít tươi cười hơn cũng như ít có thời gian dành để chăm sóc cho ngoại hình của mình. Trong suy nghĩ của đứa trẻ còn nhỏ như con tôi đã hình dung được việc là một phụ nữ thì điều quan trọng là cần phải luôn tươi cười và xinh đẹp, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vậy thì tại sao một người mẹ như tôi lại không nhanh chóng nhận thức được điều đơn giản ấy?

Kể từ đó, tôi bắt đầu chú ý hơn đến những lời nhắc nhở của con, ngay cả những câu nói thể hiện sự khó chịu nhất của bé như “Mẹ ghê gớm lắm nhé”, “Nay mẹ đáng ghét thế”, “Mẹ mặc trông kỳ vậy?”…

Không chỉ lắng nghe con để điều chỉnh hành vi của bản thân, đôi khi, tôi còn cho con có cơ hội trở thành quân sư cho mình trong việc lựa chọn trang phục, kết hợp đồ cũng như màu sắc và thật ngạc nhiên luôn có được những gợi ý tham khảo khá thú vị.

Tôi nhận ra, một đứa trẻ hoàn toàn có thể làm “quân sư” cho cha mẹ trong rất nhiều lĩnh vực khác nữa nếu như chúng ta có thái độ tôn trọng và không coi thường những suy nghĩ kiểu con trẻ.

Mỗi đứa trẻ đều có thể là một người thầy

Các ông bố, bà mẹ thường tự tin nghĩ rằng, mình chính là người thầy thực thụ của con trong mái trường gia đình. Chúng ta luôn áp đặt những quy tắc, quy chuẩn mà chúng ta cho là đúng lên suy nghĩ của con trẻ, mà không biết rằng các con có thể dạy dỗ lại cha mẹ rất nhiều điều.

Tôi đã thấy những đứa trẻ thường xuyên nhắc nhở bố mẹ về việc vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, việc chạy xe quá nhanh, việc hút thuốc lá nhiều có tác hại đến sức khỏe thế nào, đặc biệt là việc cha mẹ chúng hay quên và liên tục thất hứa… Chúng ta chớ coi thường những nhắc nhở ấy!

Không chỉ giúp cha mẹ sống tốt hơn, học hỏi từ con mình là công việc thú vị nhất đối bất kỳ một bậc cha mẹ nào. Thậm chí, đó còn là cả một thế giới rộng mở để chúng ta có thể học hỏi và khám phá cả ngày mà không mệt mỏi. Ví dụ với một đứa trẻ yêu thích vẽ, chắc chắn bé sẽ là người thầy của cha mẹ. Bạn có thể học hỏi ở con ở cách pha màu, lựa chọn màu sắc cũng như cách vẽ những con vật, đồ vật đơn giản nhất…

Ngoài ra, tính cách của con trẻ cũng là một kho kinh nghiệm quý. Các con chúng ta dễ giận những cũng dễ quên, có thể vài giây trước bé đang cau có vì điều gì đó những thoắt một cái đã tươi cười và quên ngay rồi. Điều này ở người lớn lại hoàn toàn ngược lại, chúng ta đôi khi mang cả đống bực tức hoặc giận dữ từ cơ quan về nhà, trút hết lên những người thân yêu. Hoặc tệ hơn, chúng ta kiềm hãm và dồn nén những suy nghĩ tiêu cực vào đầu óc, khiến tâm trí nặng nề và bi quan rồi gây ra stress cho chính bản thân mình.

Các con rất nhạy cảm trong việc tiếp nhận những sự việc mới trong cuộc sống. Chúng luôn tò mò và tìm hiểu mọi thứ mà chúng chưa biết bằng cách luôn miệng hỏi “tại sao?” và “như thế nào?”. Trong khi, thói quen đó nhiều cha mẹ đã vô tình bỏ qua từ lâu và mất đi cơ hội khám phá những điều mới mẻ.

Đặc biệt, các con chúng ta thường không biết nói dối. Ngay từ khi sinh ra, các con đã mang trong mình tính cách chân thành và thật thà nhất, chúng luôn nói thật với mọi điều chúng thấy và cảm nhận. Đây cũng là một điểm đáng học hỏi ở trẻ, tính cách chân thật và biết chia sẻ thẳng thắn là một điều đáng quý mà nhiều bậc cha mẹ cần phải học ở con. Thậm chí, ngay cả sự ngang bướng của con, cha mẹ cũng có thể học được tinh thần quyết tâm hoàn thành mục tiêu cuộc sống, cũng như thực hiện ước mơ của mình.

Như vậy, thay vì luôn nghĩ những đứa con của chúng ta chưa bao giờ lớn, hay không biết gì, hãy tích cực khai thác trí tuệ của con, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều điều không tưởng!

Theo Khám Phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.