Cha mẹ đồng tình

Cha mẹ đồng tình

(GD&TĐ) - Với chủ trương không cho điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD&ĐT, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội đang áp dụng hình thức đánh giá mới bằng các biểu tượng hình ảnh, lời nhận xét của cô giáo… Điều này đã bước đầu mang lại kết quả tốt và nhận được sự đồng tình của nhiều cha mẹ.

Chị Nguyễn Thanh Thư, con gái đang học lớp 2 Trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai - HN):

Không muốn con chịu áp lực

 

Năm ngoái, con đi học lớp 1, đi họp đầu năm nghe cô giáo chê nhiều cháu viết kém, Chính tả kém, Toán kém, làm cô phải mất công nhiều... Tôi nghĩ rằng các cháu mới học lớp 1, tức là lớp đầu tiên mà đòi phải biết đọc, biết viết ngay là không hợp lý. Nếu bị chê nhiều thì chắc chắn nhiều cháu mặc cảm, tự ti. 

Việc bỏ chấm điểm cho các cháu, để các cháu không phải bị áp lực điểm số là điều nên làm. Thay vì chấm điểm, các cô hãy ghi những lời khen nếu bé làm bài tốt và những lời khích lệ nếu bé làm bài chưa tốt. 

Không chấm điểm không có nghĩa là không đánh giá phân loại được học sinh. Cô giáo sẽ có nhận xét về từng cháu, cần tăng cường kỹ năng nào và cần khắc phục những điểm yếu nào để giúp các cháu tiến bộ. 

Mấy năm trước khi ở bên Australia, tôi thấy trẻ con đến lớp 3 mới có chấm điểm. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng vậy, người ta không chấm điểm cho trẻ mới học lớp 1. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc không chấm điểm này.

Chị Phạm Thanh Thủy,  con trai đang học lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm -  Hà Nội):

Tạo hứng thú học cho trẻ

 

Theo tôi, kiến thức lớp 1 không có nhiều, chỉ cần học trên lớp là đủ. Trong thời gian học lớp 1, chị muốn con rèn nền nếp và nuôi dưỡng sự hứng thú học hành. Việc tạo hứng thú học cho các con là hết sức quan trọng. 

Trước năm học, dù nhận được nhiều lời khuyên cho con đi học trước chương trình nhưng tôi kiên quyết phản đối. Nếu biết trước chương trình thì khi vào lớp, con sẽ chủ quan và không tập trung nghe cô giáo dạy, như thế sẽ làm hỏng thói quen học trên lớp.

Tôi cũng xác định trước là sẵn sàng nghe những lời chê của cô khi con học chậm và viết chậm so với các bạn khác. Tôi tin rằng nếu hiểu con và động viên con thường xuyên thì con chị nhất định sẽ có hứng thú trong học tập và sẽ theo kịp chương trình học.

Nếu ngay nét chữ, đọc ngữ âm đầu tiên mà đã đánh giá bằng điểm số thì các con sẽ có tâm lý học không tốt. Có những hôm con làm bài không được tốt, thay vì cho điểm kém, cô giáo đã viết những lời nhận xét trong vở. Điều này đã làm các con giảm đi những áp lực tâm lý đáng kể. Tôi thấy từ đầu năm học đến giờ, mỗi ngày con đi học đều rất vui và rất hứng thú.

Anh Nguyễn Quốc Hưng (quận Thanh Xuân, Hà Nội):

Không có điểm nhưng con vẫn rất cố gắng

 

Bước vào năm học mới, tôi đã rất lấy làm lạ khi cô giáo không cho điểm trong vở của con. Thay vì những điểm số, tôi thấy trong vở của con chỉ là những chữ “cô khen” hoặc “con làm tốt lắm”. 

Những ngày đầu khi cô giáo không chấm điểm cho con, tôi lo nếu không chấm điểm thì làm sao biết được học lực của con như thế nào. Tuy nhiên, những ngày sau đó, dựa vào nhận xét của cô giáo, vợ chồng tôi đã dễ dàng chỉnh sửa những lỗi chưa đúng cho con. 

Từ những nhận xét của cô giáo, như: “Con viết chữ chưa đẹp lắm, con cần về nhà luyện tập thêm”, hay “Con chú ý độ cao của chữ l”, “Bài viết của con rất đẹp nhưng con cần chú ý hơn cách trình bày nhé”… tôi đã giúp con rèn chữ, khắc phục lỗi. Và những ngày sau đó, con tôi đã tiến bộ hơn.

Tôi cho rằng việc thực hiện chủ trương không chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ giúp giáo viên tập trung chăm sóc học sinh nhiều hơn thông qua việc trao đổi với từng học sinh và ghi chép sự tiến bộ của từng cháu. Đối với học sinh, việc không đánh giá bằng điểm số sẽ giúp các cháu vui vẻ, tự tin hơn”. 

Lan Anh(ghi)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ