Chiều 28/1, ông Võ Văn Kỷ (ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, nông dân 67 tuổi này đã từ Tiền Giang đến TP HCM mời thêm các luật sư bào chữa cho con trai là Võ Văn Minh (36 tuổi). Hơn một tháng trước, Minh bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên 7 năm tù vì tội Cưỡng đoạt tài sản.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát có trụ ở tại tỉnh Bình Dương. Số tiền doanh nghiệp đưa Minh và cho rằng anh ta cưỡng đoạt của Tân Hiệp Phát là 500 triệu đồng.
Theo ông Kỷ, ngoài 2 luật sư giúp Minh ở sơ thẩm là Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam, người cha đã mời thêm 5 luật sư là Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nguyễn Kiều Hưng, Lê Nguyễn Lê Vi, Nguyễn Hữu Thế Trạch và Phạm Công Hùng (cùng Đoàn Luật sư TP HCM). Theo các luật sư này, họ sẽ bào chữa miễn phí, giúp Minh hết mình để bị can được thoát tội, sớm trở về với vợ con, cha mẹ già.
Cùng ngày, ông Kỷ cũng đến Đoàn Luật sư TP HCM để tìm Chủ nhiệm Đoàn là ông Nguyễn Văn Trung. Người cha mong luật sư thứ 8 này nhận lời giúp con mình nhưng ông Trung bận đi công tác. Ông Kỷ đã gửi đơn lại cho Văn phòng Đoàn và hi vọng được luật sư Trung nhận lời bào chữa miễn phí.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Công Hùng (Giám đốc điều hành Công ty luật Công Hùng và cộng sự) cho biết, vụ án này có nhiều tình tiết hay và mang tính nhân văn.
"Đối tượng mua bán giữa Minh và Công ty Tân Hiệp Phát không phải chai Number 1 có ruồi mà là "sự im lặng". Diễn biến lúc đầu cho thấy Minh suy nghĩ đến việc có thể phạm tội nhưng điều đó chỉ mới hình thành trong ý tưởng, chưa có hành vi thực sự. Chính đại diện Tân Hiệp Phát đã nhiều lần thương lượng với Minh cho thấy, doanh nghiệp này đã tiếp sức, dẫn dụ Minh vào con đường phạm tội", ông Hùng nói.
Ông Kỷ đưa cháu nội lên TP HCM và đến Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn để nhờ luật sư Phạm Hoài Nam. Ảnh: Nhật Tân. |
Từ phân tích trên, cựu thẩm phán TAND tối cao này đặt vấn đề đến việc xử lý hành vi đưa tiền của phía Tân Hiệp Phát. Điều này sẽ được thẩm phán Hùng đệ đơn lên TAND tối cao để nơi đây xem xét tại phiên xử phúc thẩm.