Lần đầu tiên tôi đi hái trầu, mẹ tôi hướng dẫn: Trong một cây trầu có hai loại lá, lá trầu lương và lá trầu ác. Lá trầu lương mọc từ dây trầu lương có thân màu tím, mỗi đốt có rễ nhỏ bám vào thân trụ giúp trầu leo lên cao.
Lá trầu lương có vị cay nồng ăn không được, nếu ăn nhầm sẽ bị rộp miệng. Khi cây trầu trồng được hơn một năm, từ dây trầu lương sẽ mọc ra các nhánh gọi là dây ác hoặc nhánh ác. Lá trên nhánh trầu ác mới ăn được. Nhưng ăn ngon nhất là lá trầu thứ 3, thứ 4 trong nhánh, đó là những lá vừa đủ già, đủ độ nồng và độ cay.
Mấy năm sau đó, cây trầu của ông tôi ngày càng khó hái. Các nhánh trầu leo tít trên cao và các lá trầu muốn hái cũng ở trên đó. Muốn hái được phải leo lên một bờ rào dây thép gai với hàng cọc sắt nhọn. Mẹ tôi thấy rất nguy hiểm nên không cho tôi hái nữa. Hàng ngày, mẹ tôi phải mua trầu ngoài chợ để ăn. Tuy nhiên, không có loại trầu nào ngon như giống trầu của ông tôi. Do vậy, mẹ tôi xin một nhánh trầu của ông để trồng dưới gốc cây mít trước nhà.
Hồi ấy, Chợ Mới - Pleiku có một diện tích không nhỏ dành riêng để bán trầu cau và có nhiều sạp trầu. Tuần nào chị tôi bận thì mẹ tôi sai tôi đi chợ cau, vôi, rễ chay, thuốc rê cho mẹ. Tôi đi nhiều đến nỗi biết hết tên từng người bán hàng. Tôi còn biết rõ bà nào bán cau ngon, bà nào có vôi xiêm màu hồng rất tươi và đẹp…
Mẹ tôi chăm bón thường xuyên cây trầu. Vài ba tháng một lần, mẹ tôi bón tro bếp cho cây trầu. Mẹ tôi bảo chỉ có bón tro bếp thì lá trầu mới xanh, giòn và cứng cáp. Mẹ tôi sai tôi lấy thêm đất đá đắp một cái bồn xung quanh gốc để tưới được nhiều nước. Nước càng trong, sạch thì trầu càng xanh và có mùi vị thơm ngon.
Cây trầu của mẹ tôi đã lớn cùng với tuổi thơ của tôi như thế.
Khi tôi học xong đại học, có việc làm, rồi lập gia đình, cây trầu vẫn xum xuê trước nhà. Cho đến lúc tôi kiếm đủ tiền làm nhà mới thay cho ngôi nhà ván đã quá mục nát thì số phận cây trầu của mẹ tôi bị thay đổi. Để đủ diện tích xây nhà, khoảng sân nhỏ có cây trầu bị phá bỏ. Thế là cây trầu của mẹ tôi không còn đất sống.
Để thay thế cho cây trầu cũ, mẹ tôi cắt mấy dây trầu đem trồng vào một góc của mảnh đất dành cho chị tôi làm nhà cách đó chục mét. Phải mất 2 đến 3 năm sau, cây trầu thứ hai của mẹ tôi mới leo đến mặt giàn. Dù sao thì nó cũng có thể thay thế cho cây trầu cũ và có đủ lá cho mẹ tôi dùng đến ngày mất. Nhiều năm sau, chị em tôi vẫn chăm sóc cây trầu xanh tốt như ngày mẹ tôi còn sống.
Thế rồi vì kẹt tiền chị tôi lại bán mảnh đất có cây trầu của mẹ tôi vừa trồng tá túc được mấy năm. Số phận cây trầu của mẹ tôi có nguy cơ thuộc về người khác. Tôi cứ sợ cây trầu của mẹ tôi sẽ không còn.
Tôi buồn và lo lắng suốt một thời gian dài. Tâm trạng tôi bần thần như mất một điều gì đó. Quả thực cây trầu đã gắn bó với tôi suốt mấy chục năm và với bao nhiêu kỉ niệm. Hơn thế, nó như là kỉ vật của mẹ tôi, là chỗ để chị em tôi và con cái tôi nhớ về mẹ, về bà của mình.
Tôi xin phép chủ nhà mới cắt mấy nhánh trên cây trầu của mẹ tôi trồng vào trong chậu cùng với mấy chậu hoa kiểng đặt trước sân hẹp. Ban đầu, chậu nhỏ nên dây trầu sống òi ọp, vàng vọt tưởng chừng sắp chết. Thấy thế, tôi thay bằng một chiếc chậu lớn hơn gấp nhiều lần, làm thêm một chiếc giàn sắt nho nhỏ để trầu leo và cũng chăm bón giống như mẹ tôi đã từng làm: Nước thật nhiều, thật trong, thật sạch và tro bếp. Chưa tới một năm sau cây trầu đã phát triển rất tốt.
Bây giờ, ở một góc sân dù rất nhỏ của nhà tôi, cây trầu của mẹ đã lớn gần bằng cây trầu ngày xưa, lá xanh um, chồi non mơn mởn. Cứ vài ba hôm, tôi hoặc vợ con tôi hái dăm ba lá già nhất, xanh nhất, giòn và thơm, rửa sạch rồi thêm vôi, cau, thuốc, rễ chay để đặt trên bàn thờ của mẹ. Tôi nghĩ chắc mẹ tôi vui lắm vì có món trầu ngon và nhất là nó được trồng trước sân nhà, gần nơi mẹ tôi đã trồng dây trầu đầu tiên.
Trong mùa Vu Lan này, tôi rất mong mẹ tôi về lại ngôi nhà xưa, thăm con cháu và ngắm lại cây trầu năm nào.