(GD&TĐ)- Ngày 16/5, tại làng Bó Bẩm, Khu di tích lịch sử Pác Bó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cùng UBND huyện Hà Quảng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bằng phối hợp tổ chức lễ công nhận cây nghiến trong khu di tích lịch sử Pác Bó- Cao Bằng là Cây di sản Việt Nam.
Cây nghiến cổ thụ được công nhận là "Cây di sản Việt Nam" |
Cây được công nhận là cây nghiến cổ thụ trong khu di tích lịch sử Pác Bó nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về sống và làm việc tại đây vào năm 1941 để lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi giặc ngoại xâm sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Cây có đường kính hơn 2m, cao hơn 30m, có tuổi ít nhất khoảng 500 năm mọc ngay trước lối vào hang Cốc Bó, trên sườn núi, sát bờ suối Lê Nin nơi có nhà sàn của cụ Dương Văn Đình, người đã kết nghĩa anh em với Bác Hồ. Cũng chính tại khu vực này Bác Hồ đã từng nói chuyện với đông đảo bà con các dân tộc ít người để tuyên truyền cách mạng từ năm 1941 – 1945.
Tại lễ vinh danh, VACNE đã gắn bia "Cây di sản Việt Nam" bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng tại gốc cây nghiến.
Việc vinh danh cây nghiến ở cổ thụ ở khu di tích lịch sử Pác Bó không những góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, hưởng ứng Thập niên đa dạng sinh học 2011 – 2020 và năm Quốc tế về Rừng 2011 mà còn là hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng của cộng đồng, tôn vinh giá trị nhân chứng gắn liền với dấu ấn lịch sử của dân tộc, điểm nhấn văn hóa với du khách trong và ngoài nước khi đến với Pác Bó- Cao Bằng.
Tiêu chí để công nhận cây di sản đối với cây tự nhiên là phải sống trên 200 năm, cao trên 40m, đường kính trên 2m, có hình dáng đặc sắc; ưu tiên các loài gỗ quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử. Sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động từ 18/3/2010. Tới nay đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân trong cả nước hưởng ứng, với gần 300 cây ở 20 tỉnh, thành phố đã đăng ký. Bước đầu, Hội đồng Cây Di sản đã xét duyệt và công nhận 92 cây. |
Xuân Hương