Con người chúng ta thật hạnh phúc khi có thể quên đi một số thời khắc không vui trong cuộc sống thường ngày. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, cây cối hóa ra cũng tiến hóa để "gạt đi quá khứ" mà bước tiếp trên cõi đời này.
Ở các nghiên cứu trước kia, các nhà khoa học đã kết luận rằng cây cối có thể lưu trữ ký ức lên thông tin di truyền bằng các tế bào biểu sinh. Khả năng này cho phép chúng tăng khả năng sống sót và phục hồi trong các điều kiện ngặt nghèo như hạn hán, sâu hại.
Và theo một nghiên cứu mới đây của ĐH Quốc gia Australia, cây cối giờ còn có thể "quên" đi những thời kỳ đau khổ trong quá khứ, nếu như nó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ sau.
Theo tiến sĩ Peter Crisp - nhà thực vật học tại ĐH Quốc gia Australia: "Những ký ức căng thẳng trong quá khứ có thể khiến cây cối thích nghi theo hướng tiêu cực, cản trở khả năng phục hồi và gây ảnh hưởng đến sự phát triển".
Ví dụ như các cây cối mọc trong vùng khô hạn thường kém phát triển hơn. Và nếu như ký ức này được truyền sang các thế hệ sau, sự phát triển của cây con sẽ bị hạn chế ngay cả khi được trồng trong khu vực có điều kiện tốt. "Chính vì vậy, cây cối đã học cách để quên"- Crisp cho biết.
Cụ thể, tiến sĩ Crisp và cộng sự đã nhận ra quá trình chối bỏ quá khứ này được điều khiển bởi các phân tử ARN - nơi vận chuyển các vật liệu di truyền, giúp sản sinh ra các protein thích hợp để mã hóa tế bào ADN.
Thực vật sẽ quên khi cần để thế hệ sau phát triển tốt hơn
ARN là các phân tử đơn (single stranded) nên có thể dễ bị phân hủy, trong đó sự phân hủy này có thể gián tiếp phá bỏ các ARN chịu trách nhiệm phản ứng với stress. Theo các khoa học gia, cây cối đã lợi dụng quá trình này để ngăn cản sự hình thành của những ký ức không mong muốn.
Tuy nhiên, tạo hóa thực sự rất tuyệt vời. Cây cối đã tiến hóa một cách ấn tượng để giữ cân bằng số lượng cây "đã quên" và "chưa quên" trong quần thể. Như vậy, ít nhất sẽ có một nửa thế hệ cây phát triển ổn định, dù điều kiện môi trường khắc nghiệt hay thuận lợi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.