Với cây cầu tạm bắc bằng gỗ được đặt tên là Phú Kiểng như hiện nay, cuộc sống của người dân hai bên bờ thiếu đi một cái gì đó mang tên gọi “an toàn”. Bất an luôn thường trực, nhất là khi trời không yên ắng. Mỗi mùa mưa về, phải qua cầu là nỗi sợ của bất cứ ai, cực chẳng đã mới phải đi.
Vừa đi vừa run
“Hằng ngày, tôi đi lại qua cây cầu gỗ này, cảm giác không lúc nào khác nhau: Chỉ mong qua nhanh được bên kia bờ. Những sợi dây mỏng manh gắn kết các thanh ván được chống lên bởi những cọc gỗ mục nát vắt vẻo như tơ nhện, vài chiếc xe trên cầu là nghe tiếng kêu răng rắc từ rầm cầu rất hãi”, chị Trần Thị Lụa (54 tuổi, thôn Hòn Nghê 1), cho biết.
Theo người dân địa phương, cây cầu gỗ bắc tạm dài hơn 400 mét này rất quan trọng, nối liền giữa 3 thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với 5 thôn khác của xã Vĩnh Ngọc, đồng thời là cửa ngõ cho một nửa xã Vĩnh Ngọc thông thương ra bên ngoài. Muốn vào trung tâm thành phố thuận tiện buộc phải đi qua cầu này. Cũng theo chị Lụa: “Ngày nào chả có người ngã ở đây, xe đạp tránh xe máy, lọt bánh xuống khe rầm cầu, rồi lên xuống vấp nhau, cũng nhẹ thôi nên thành quen cả. Tôi đã có 2 lần bị trên cầu này. Một lần chở hành nặng, tránh xe người khác bị đè vào tấm ván mục, tôi văng ra khỏi xe, chân thọt xuống kẽ ván cầu, khi rút lên được thì máu me chảy ra đau buốt lên tận óc. Lần khác có việc đi vội qua cầu không chú ý, va phải xe khác rơi xuống nước, may mà biết bơi”.
Với những người già và trẻ em, khi qua cầu này là một cực hình. Bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi, thôn Hòn Nghê 2) cho hay: “Tôi mắt kém mỗi lúc đi qua cầu lại thấy sợ, không dám đi. Chỉ cần dừng lại tránh xe khác mà mất tập trong trong tích tắc là lọt thỏm chân xuống cầu lúc nào không hay. Cách đây vài tháng, tôi chạy xe đạp qua thăm cháu gái mới sinh, chỉ vì tránh chiếc xe máy mà suýt rớt xuống cầu”. Với những người dân ở 2 nửa của xã Vĩnh Ngọc là vậy, còn những khách lạ, có người đến cầu là bỏ ngay ý định chạy xe qua. Ông Trần Vân ở trung tâm thành phố Nha Trang lắc đầu: Giữa một đô thị phát triển mà tồn tại cây cầu gỗ đầy hiểm nguy thế này thì buồn quá. Dân kêu ca mãi vẫn vậy. Tôi có người quen ở đó nhưng mỗi lần muốn qua cầu phải nhờ người chở chứ đi bộ đã run rồi đừng nói gì chuyện chạy xe..
Nhịn ăn sáng để đóng phí cầu tạm
Theo UBND xã Vĩnh Ngọc, thực tế ở đây chưa từng có cây cầu nào, qua lại chỉ bằng ghe xuồng rất nguy hiểm. Sau này việc di chuyển bằng ghe xuồng càng bất tiện vì người dân còn phải mang cả xe gắn máy, hàng hóa qua lại. Chừng 10 năm trước, một hộ tư nhân đứng ra bắc cây cầu gỗ treo leo này.
Người nhận bắc cây cầu gỗ ấy là ông Nguyễn Xuân Thuận, người xã Vĩnh Ngọc. Sau khi dựng cầu, ông Thuận lập ngay một chốt chặn thu phí ở đầu cầu. Mỗi lần qua cầu phải nộp phí 3.000 đồng. Ông Thuận giãi bày: Mùa mưa nào cầu cũng bị trôi. Làm chắc quá thì không có tiền. Thu phí 3.000 đồng thì cũng tạm đủ cho các khoản tiền và công ông đã chi ra mà thôi. Cầu treo tạm, rộng chưa đầy 1,5m nên ngay cả khi ít người qua lại nhất thì điểm chốt thu phí của ông Thuận cũng bị ùn tắc.
Là người dân thôn Xuân Ngọc, ông Lê Bình chia sẻ: Hầu hết người dân ở Vĩnh Ngọc đều nghèo, nhất là ở thôn Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2. Phí qua cầu của ông Thuận không cao, nhưng thật cũng quá sức với nhiều người, nhất là với những người thường xuyên qua lại mỗi ngày do công việc. Cứ nhẩm tính gia đình có mấy đứa con đi học, mỗi ngày gần chục lần đưa đón các cháu coi như mất tiêu mấy chục ngàn.
Chờ đợi đến bao giờ?
Cứ mỗi khi trời nổi gió, ông Nguyễn Duy Hành lại ra đầu cầu Phú Kiểng, đăm đăm nhìn ra lòng sông với nỗi buồn vô hạn. Một buổi tối cuối tháng 4/2013, trời trở gió nhẹ. Cây cầu gỗ này, chỉ cần gió nhẹ là đung đưa như võng. Con trai ông là anh Nguyễn Duy An (lúc đó 23 tuổi) đi cùng bạn qua cầu thì rớt xuống sông tử nạn. Lảng tránh câu chuyện buồn của mình, ông chỉ ra đầu cầu: Không có năm nào cầu không bị trôi một vài lần hết. Ông Thuận lại phải dựng lại cũng rất cực, bên việc ông ấy thu phí là đúng rồi. Chậm ngày nào là hàng ngàn người dân bị cô lập với bên ngoài ngày ấy. Tôi chỉ mong mỏi có cầu kiên cố để cuộc sống người dân nơi đây thuận tiện hơn, đỡ bất an hơn.
Ông Trần Quang Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc - cũng trăn trở: “Dự án xây dựng cầu xi măng thay thế cho cầu gỗ đã có chủ trương từ lâu. Năm nào nhìn cầu bị cuốn trôi chúng tôi cũng buồn lắm. Tuy nhiên, muốn dự án chuyển động thì phải chờ kinh phí. Đây là dự án khả thi và cấp thiết nhưng kinh phí lớn nên cũng chưa biết khi nào mới có thể thực hiện”.