Cầu nối người bệnh với cộng đồng

GD&TĐ - Lâu nay, bệnh viện đơn thuần là nơi khám chữa bệnh. Mối quan hệ trong bệnh viện chủ yếu giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà. 

Nhân viên tổ công tác xã hội chỉ dẫn, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân
Nhân viên tổ công tác xã hội chỉ dẫn, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân

Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y (2011), những y bác sĩ trở thành cầu nối giữa bệnh nhân với bệnh viện, bệnh nhân với xã hội. Nhờ hoạt động trên, có rất nhiều bệnh nhân tưởng như không còn cơ hội điều trị đã được xã hội chung tay giúp đỡ.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Đã là người bệnh, đặc biệt là bệnh nhi, thì thiệt đủ đường. Thiệt thòi về sức khỏe khiến các em sống ở viện nhiều hơn ở nhà; chuyện học hành, vui chơi vì thế ít có cơ hội… Thấu hiểu được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em, nhiều tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện đã chung tay cùng bệnh viện tổ chức hoạt động vui chơi, tặng quà, lớp học cho các em. Hoạt động này trở nên thường xuyên và chuyên nghiệp hơn khi vấn đề xã hội trong bệnh viện được chú trọng.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi vừa qua, các em nhỏ tại nhiều bệnh viện đã vui vẻ đón ngày lễ dành cho mình cùng người thân, nhân viên y tế và các anh chị tình nguyện. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng trăm em nhỏ hào hứng tham gia chương trình nghệ thuật Ngày hội của bé. Hình ảnh quen thuộc là nhiều em tham gia với kim truyền, chai nước trên tay nhưng các em vẫn lạc quan hưởng ứng các trò chơi. Ngoài chương trình nghệ thuật đặc sắc, các nhà tài trợ đã tặng hàng trăm phần quà cho các bé nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình, động viện các em vượt qua bệnh tật.

Các “chiến binh nhí” đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đón Ngày Tết thiếu nhi trong không khí ấm cúng. Với chủ đề Thắp sáng nụ cười em, các em được xem xiếc thú, ảo thuật, biểu diễn thời trang và vẽ tranh. Mặc dù không phải lần đầu tiên tham gia; nhưng em nào cũng háo hức quên đi đau đớn, bệnh tật.

Theo bác sĩ Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, những năm qua, hoạt động công tác xã hội của viện đã làm được nhiều việc đáng tự hào. Với 12 cán bộ, chia ra 2 bộ phận truyền thông và hỗ trợ người bệnh, trong năm 2016, viện đã huy động được trên 13 tỷ đồng tiền từ thiện, hơn 600 cá nhân và tổ chức đến từ thiện và hỗ trợ cho người bệnh; gần 38.000 lượt bệnh nhân được tặng quà từ thiện… Phòng Công tác xã hội đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động, tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cho người bệnh như thành lập ngân hàng suất ăn từ thiện, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân, tổ chức các chương trình văn hóa - văn nghệ cho người bệnh. Tổ chức hội nghị tri ân đối với các tổ chức, cá nhân từ thiện…

Nhân rộng những việc làm tốt

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), công tác xã hội là một lĩnh vực còn mới trong ngành Y tế. Song thực tế những năm qua cho thấy, nghề công tác xã hội đã đem lại những lợi ích thiết thực đối với người bệnh, bệnh viện và cả nhân viên y tế.

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Lê Lâm cho rằng, nhờ làm tốt công tác xã hội, việc phục vụ người bệnh tốt. Thái độ của nhân viên y tế thay đổi từ việc ban ơn sang phục vụ người bệnh.

Còn theo bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai), ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn về công tác xã hội, hỗ trợ khó khăn về tâm lý của người bệnh, khảo sát ý kiến của bệnh nhân và người nhà người bệnh… những chuyến đi dã ngoại, về cơ sở đem lại nhiều cảm xúc cho bác sĩ.

“Những học sinh người dân tộc nhỏ thó so với những trẻ cùng trang lứa ở thị thành, với ánh mắt lạ lẫm pha chút sợ sệt đứng nép sau bàn khám với câu hỏi ngây thơ: “Con có bị ốm không? Con có phải tiêm không? Con chưa được đi khám bệnh bao giờ...” khiến cả đoàn chạnh lòng, trăn trở nhiều hơn về những thiệt thòi, thiếu thốn về mọi mặt trong cuộc sống đối với các em nhỏ vùng cao”, bác sĩ Mận chia sẻ.

Có thể thấy, công tác xã hội trong bệnh viện tuy còn lạ lẫm nhưng đã kết nối giữa nhu cầu “được cho đi” và nhu cầu “mong nhận được” của người bệnh - bác sĩ và cộng đồng. Những người làm công tác xã hội còn góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị thông qua việc hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh...

Tại Bệnh viện Bạch Mai, hoạt động xã hội không chỉ phục vụ cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, mà còn hướng ra cộng đồng. Năm nào cũng vậy, bệnh viện tổ chức các đoàn đi khám miễn phí ở nhiều nơi. Người già, trẻ em, đặc biệt là học sinh tại vùng khó luôn được y bác sĩ hướng đến. Vừa khám bệnh, tặng quà, các bác sĩ kiêm luôn cả việc hướng dẫn cha mẹ, thầy cô cách chăm trẻ, phòng tránh bệnh tật…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ