Câu hỏi còn thiếu lời giải đáp

Câu hỏi còn thiếu lời giải đáp

(GD&TĐ) - Tới đêm 10/3/2013, đã có thêm một người tử vong trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Cam Ranh (Khánh Hòa), nâng con số tử vong lên tới 12 người. Hiện còn 5 người bị chấn thương nặng đang được điều trị (trên tổng số 60 người bị thương). Tổn thất qua vụ tai nạn như thế nào thì mọi người đều có thể hình dung. Nhưng bất cứ ai mỗi lần nghe thông tin về một vụ va chạm chết người hay cháy xe khách nào đó vẫn thường xảy ra trên Quốc lộ 1A (tuyến đường dài Nam-Bắc) đều không thể trả lời được câu hỏi: Liệu trong tương lai, có thể chấm dứt được những vụ tai nạn thảm khốc tương tự hay không?

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 08/3/2013 tại Cam Ranh, Khánh Hòa. (Ảnh: ANTĐ)

Đi tìm nguyên nhân, cam kết việc chấp hành nghiêm, xử lý sau tai nạn… là việc mà các cơ quan chức năng phải làm. Được biết, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm làm việc với các đơn vị vận tải khách đường dài đóng trên địa bàn tỉnh cam kết giáo dục lái xe chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trường hợp đơn vị vận tải nào có lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành đúng các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì Sở GTVT xử lý theo mức cao nhất và xem xét rút giấy phép. Lực lượng công an, thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định trên các tuyến giao thông trong địa bàn tỉnh.

Chắc chắn những quy định nghiêm ngặt về trật tự an toàn giao thông ở Quảng Ngãi rồi sẽ được thực thi; song vấn đề là ở chỗ, liệu việc thực thi này có lâu bền không, hay chỉ diễn ra sau một thời gian, rồi khi dư âm của vụ việc không còn nữa lại sẽ đâu vào đấy?

Đó là một thực tế bấy lâu nay trong lĩnh vực lưu thông đường bộ, đặc biệt là ở tuyến đường dài Nam-Bắc. Ai đã từng thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến đường này sẽ nhận rõ việc các tài xế xe khách chở quá lượng người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn các xe khác để giành khách là chuyện xảy ra như cơm bữa. 

Quan sát khá nhiều vụ như vậy, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu lạ là rất hiếm khi các tài xế xe khách bị công an xử lý vi phạm. Khi thì gần tới địa phận có CSGT đứng, họ được các “đồng nghiệp” nháy đèn, giơ tay ra hiệu. Khi thì gặp trường hợp lái xe “coi công an như bạn”, giơ tay chào rồi thản nhiên vượt qua mặt. Một đôi lần, tại tuyến đường dẫn từ Ngã Ba Huế lên hầm đèo Hải Vân, tôi còn chứng kiến cảnh công an yêu cầu xe khách dừng để xử lý. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau lái xe cầm theo sổ kiểm định theo công an vào chỗ khuất trở ra thì mọi việc đâu vào đấy, họ vẫn tiếp tục chở số người theo quy định và vẫn… phóng nhanh, vượt ẩu như cũ. Những lái xe này cho biết, để không bị xử nặng hay tước giấy phép thì chỉ có mỗi cách duy nhất là đưa tiền lót tay cho CSGT là xong. 

Một điều đáng nói nữa, từ một loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua, sẽ thấy, phần lớn là lái xe trẻ tuổi. Sự xốc nổi, thiếu kinh nghiệm trong đường trường, kém hiểu biết pháp luật đã gây hậu quả khôn lường cho chính họ và cho bao nhiêu con người vô tội khác.     

Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012), theo đó, đã nâng mức phạt khá nặng đối với hành vi xe chạy quá tốc độ, xe chở quá trọng tải cho phép (gấp hơn 2 lần so với quy định cũ, số tiền lên tới mức cao nhất từ 9-10 triệu đồng đối với xe ô tô). Nếu mỗi tài xế xe khách phải nộp đúng mức phạt quy định khi có vi phạm, hẳn sẽ không ai dám sai luật. Vậy nếu có sự lách luật thì nguyên nhân sẽ bắt nguồn từ đâu?

Một lần nữa, xin nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng, không để đến khi xảy ra tai nạn chết người mới lại đặt vấn đề “kiểm soát và xử lý nghiêm minh”…

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ