(GD&TĐ) - Mẹ mất khi em vừa mới lọt lòng, 3 năm sau người cha cũng bỏ đi theo người đàn bà khác. Nhưng vượt lên trên nghịch cảnh ấy cậu học trò nghèo Phạm Văn Tiên, học sinh lớp 12 chuyên Văn – Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã trở thành tân thủ khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, với số điểm khá cao: Văn (8,0)- Sử (9,0)- Địa (8,50) đạt tổng điểm 25,5.
Trước đó Tiên cũng đỗ thủ khoa trong kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông với 57 điểm.
Kì tích hai lần đổ thủ khoa
Phạm Văn Tiên bên chiếc huy chương vàng Olympic 30-4 vào năm học lớp 10 (ảnh chụp tại lớp do nhân vật cung cấp). |
Đạt được số điểm cao trong kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vừa qua, đối với Tiên đó là thành quả của những chuỗi ngày không ngừng cố gắng vươn lên trong học tập, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Suốt 12 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 10, Tiên giành huy chương vàng Olympic môn Lịch sử khu vực phía Nam. Lớp 11 và 12, cậu học trò đều đoạt giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; năm lớp 12 đạt giải khuyến khích môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Năm 2010 Tiên thi đỗ vào Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết, nhà cách trường hơn hai 3 tiếng đồng hồ đạp xe đạp nên em quyết định xin tiền dì của mình để trọ lại gần trường. Gia cảnh vốn khó khăn, khoảng tiền lương giáo viên dạy mầm non của người dì ruột cũng không đủ cho em có đầy đủ điều kiện để có được môi trường học tập tốt như bạn bè trong lớp. Nên cứ đến ngày cuối tuần là Tiên lại lóc cóc đạp xe đạp về nhà, “cơm đùm, gạo túm” mang lên phòng trọ để dự trữ thức ăn cho cả tuần. Tiên tâm sự “Đi học xa, phải ở trọ nên số tiền chi tiêu hằng tháng là không hề nhỏ, nên em chọn cách mang gạo, rau…, ở nhà dì mang theo để nấu ăn cho đỡ tốn chi phí, chứ ăn cơm ngoài thì tốn kém lắm”. Mồ côi mẹ từ nhỏ, người bố cũng có gia đình riêng nên cũng không mấy khi quan tâm đến. Không phụ lòng mong mỏi của người dì ruột đã bỏ công nuôi mình ăn học, Tiên luôn phấn đấu hết mình trong việc học, sống xa nhà ngay từ khi bước vào năm học lớp 10 đã trui rèn cho Tiên khả năng tự lập rất cao trong cuộc sống, không có người bảo bang, cũng chẳng cần đợi ai nhắc nhở trong việc học nhưng cậu học trò nghèo luôn ý thức được rằng chỉ có cố gắng học thật giỏi em mới giúp thực hiện được mơ ước của mình. Mơ ước trở thành nhà báo khi còn đang học lớp 7, lúc được tham gia câu lạc bộ phóng viên nhỏ tuổi được huyện tổ chức. Và một số bài báo của Tiên đã được đăng trên báo Hoa học trò và tập san Ánh mắt trẻ thơ của báo Quảng Ngãi càng thôi thúc em cố gắng để hiện thực hóa ước mơ đó của mình. Tiên cũng chia sẻ “trong nhiều lần đi giao lưu ở các chương trình do Đài phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ngãi, được các anh chị phóng viên hướng dẫn cho cách viết bài nên cái “máu” báo chí ngày càng ăn sâu vào trong người, nên em quyết tâm theo nghề báo, vì đó là niềm đam mê của em”. Mặc dù học ban C nhưng Tiên luôn cố gắng học đều tất cả các môn, bằng chứng làm em đã đỗ thủ khoa trong kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông với 57 điểm. Nói về bí quyết để đạt điểm cao khi thi khối C, Tiên chia sẻ “nhiều bạn có suy nghĩ học khối C đồng nghĩa với chuyện chỉ cần học thuộc lòng thì đi thi sẽ đạt điểm cao, như vậy chẳng khác nào tự biến mình thành một chiếc máy photocopy có ghi nhớ. Khối C cũng giống như các khối thi khác, cũng phải cần tính sáng tạo và có tư duy tốt, đặc biệt bám chắc chương trình sách giáo khoa, và không nên phụ thuộc quá nhiều vào sách tham khảo”
Người mẹ đặc biệt
Phạm Văn Tiên cùng thầy giáo dạy môn Ngữ văn Nguyễn Văn Sáu |
Đằng sau thành tích đáng khâm phục của cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Tiên, có một người “mẹ” đã phải lặng lẽ hi sinh hạnh phúc riêng tư của mình để nuôi đứa cháu ruột của mình ăn học. Bà là Nguyễn Thị Hơn, dì ruột của Tiên, hiện là giáo viên của Trường mầm non xã Hành Trung (huyện Tư Nghĩa), gia cảnh vốn khó khăn nhưng bà không bao giờ nghĩ đến chuyện cho cháu mình bỏ học.“Trước khi má nó mất tui đã hứa là phải nuôi nó ăn học nên người, giờ có khó khăn đến mấy tui cũng cho nó ăn học cho đến đầu đến đũa, đời nó đã khổ vì mất mẹ, giờ không thể để nó khổ thêm vì thất học” Bà Hơn trãi lòng. Và ngoài số tiền lương giáo viên ít ỏi bà còn mở thêm một quán tạp hóa nhỏ ở nhà, trồng thêm cây rau, cây bí, nuôi thêm mấy con gà kiếm tiền chắt chiu nuôi cháu ăn học. Và khi nghe tin đứa cháu ruột của mình đỗ thủ khoa đại học, bà vừa mừng, vừa lo. “Đậu thủ khoa thì ai mà không mừng, nhưng giờ biết lấy tiền đâu cho thằng nhỏ đi học bây giờ, nó học phổ thông tui còn xoay xở được, chừ bây giờ phải vào tận trong thành phố Hồ Chí Minh thì số tiền học cũng phải tăng lên gấp đôi. Mấy hôm nay hàng xóm ai cũng đến chúc mừng thấy vui lắm, nhưng lại đâm ra lo chú ạ. Nói vậy nhưng cũng không cho nó biết kẻo nó nghe thấy lại buồn” bà tâm sự. Biết dì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải tiếp tục cho mình học đại học Tiên chia sẻ “vô trỏng ngoài giờ học em sẽ kiếm việc gì làm thêm để gánh vác phần nào vấn đề tiền bạc cho dì, em xem dì như người mẹ thứ ai của mình, và sẽ không phụ công ơn trời biển mà dì đã nuôi em ăn học”.
Dẫu còn đường phía trước còn lắm những căm go thử thách nhưng cậu học trò nghèo vẫn đang từng ngày viết tiếp giấc mơ của mình, nuôi khát vọng trở thành một nhà báo giỏi !
Thái Sơn