Men theo cánh đồng lúa đang kì trổ bông, chúng tôi tìm đến nhà của á khoa Học viện Quân y ở đầu xóm 11 xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Đó là một ngôi nhà cấp 4, nhỏ bé nằm ở rìa đồng. Ấn tượng đập vào mắt đầu tiên đó là hình ảnh Nguyễn Duy Anh mồ hôi nhễ nhại đang vác những bó củi to đùng vào nhà.
Dừng tay tiếp chuyện với phóng viên, Duy Anh nói: “ Em giờ phải tranh thủ làm những gì có thể, chứ vào nhập học rồi không còn thời gian để đỡ đần cho bố mẹ. Bố mẹ em sức khỏe yếu. Sắp tới phải xa nhà đi học, em thấy lo cho bố mẹ lắm.!”
Nguyễn Duy Anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố em là giáo viên Trường Tiểu học xã Đồng Thành, nhưng sức khỏe yếu, đau ốm thường xuyên không đủ sức khỏe để đứng lớp nên nhà trường đã linh động cho làm giáo viên 2.
Với đồng lương giáo viên không đủ để cho bố đi chữa bệnh nên tất cả gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy người mẹ là bà Phạm Thị Hà. Ngoài 3 sào ruộng khoán, bà Hà còn phải ra đồng mò cua, bắt ốc, lên rừng kiếm củi về bán kiếm tiền nuôi các con ăn học và thuốc thang cho chồng.
Nguyễn Duy Anh miệt mài tự học. |
Bà Hà tâm sự: “ Cuộc đời của bố mẹ vất vả, lam lũ, chỉ mong sao cho con cái học hành thành đạt nên người. Có vất vả đến mấy mà thấy thành tích học giỏi của các con là người cứ thấy khỏe ra. Mấy ngày qua, hay tin con đậu á khoa, vợ chồng tui mừng không ngủ được.”
Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, 3 anh chị em Duy Anh đều nỗ lực phấn đấu để vươn lên học giỏi. Người chị đầu vừa tốt nghiệp trường ĐH Giao thông Vận tải, anh trai thứ Nguyễn Duy Nam đang học năm thứ 2 trường CĐ nghề Hà Nội.
Riêng Duy Anh, từ năm học tiểu học, lực học của em cũng bình thường nhưng, từ khi ý thức được câu nói của người chú ruột là Nguyễn Duy Văn: “ Chỉ có học giỏi mới thoát khỏi nghèo và trở thành con người tiến bộ” , Duy Anh đã lao vào học và có những bứt phá ngoạn mục. Từ năm học lớp 5 đến lớp 12 luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và đạt được nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi.
Khi anh chị đi học xa, Duy Anh ngoài thời gian học, em về nhà tranh thủ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình và đồng áng như một lao động chính trong nhà. Tuy phải vừa học vừa làm nhưng Duy Anh vẫn học giỏi, được bạn bè và các thầy cô giáo nể phục.
Hỏi Duy Anh: "Phải lao động nhiều như vậy em còn thời gian đâu để học?", cậu học sinh cười hiền: Ở lớp em chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng và nắm chắc kiến thức cơ bản. Về nhà em mượn tài liệu để làm các bài tập nâng cao, luyện các đề thi đại học. Em học mọi lúc, mọi nơi, khi nào rỗi là đem tài liệu ra học.
Đối với môn Toán, khi tìm được những bài toán hay, một vấn đề cần lưu ý thì em ghi vào sổ tay, hay dán lên tường để ghi nhớ. Với môn Lý, lúc làm các bài tập em thường suy luận, mở rộng để tự nghĩ ra những dạng đề khác nhau. Còn Môn Hóa em, chủ yếu nắm vững lý thuyết và luyện thật nhiều đề thi.
Bà Hà tâm sự: " Khi Duy Anh bước sang năm học lớp 12, tôi khuyên nó đi học thêm như các bạn để có đủ kiến thức thi ĐH, nhưng cháu quyết không đi, còn động viên mẹ: Số tiền con đi học thêm mẹ để dành lo thuốc thang cho bố, lo gạo ăn hàng ngày và dành chút ít để con đi thi ĐH. Con quyết tâm tự ôn luyện ở nhà và sẽ thi đỗ ĐH".
Duy Anh động viên mẹ và làm thật. Suốt những ngày các bạn đổ xô đi học thêm, ôn luyện thi ĐH chỗ nọ, chỗ kia thì Duy Anh chỉ ở nhà chong đèn tự ôn luyện bên góc học tập nhỏ xíu của mình. Nhiều hôm học khuya, mệt quá, cậu gục ngay trên bàn học bên bát mì tôm mẹ làm còn để nguyên.
Chính vì ý chí, nghị lực và tinh thần cầu tiến trong học tập đã giúp Duy Anh giành ngôi vị á khoa Học Viện quân Y với số rất cao 28,25 điểm, trong đó môn Toán 9 điểm, Lý 9,5 điểm, Hóa 9,75 điểm, (làm tròn 28,5 điểm,) ngoài ra, em còn được cộng thêm 1 điểm ưu tiên vùng, đạt 29,5 điểm.
Duy Anh tâm sự: Vì hoàn cảnh gia đình nên em thi vào Học viện Quân y để giảm bớt gánh nặng chi phí. Từ nhỏ đã chứng kiến bệnh tình của bố và những người xung quanh mình nên ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người đã hình thành trong em từ những năm đầu của bậc tiểu học. Vào Học viện Quân Y em sẽ nỗ lực phấn đấu để được đi du học, tiếp thu nền y học tiên tiến trên thế giới để trở về phục vụ quê hương, đất nước mình.”