Ấn tượng với câu chuyện cảm động, tôi đã xin phép được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc gặp mặt giữa anh và cậu bé Nguyên ngày nào.
Anh Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ sinh viên ĐH Dược Hà Nội và Nguyên hồi nhỏ. |
Từ năm lên 2 tuổi, Nguyễn Đình Nguyên (SN 1996, Thôn Kiệu Đông, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, bố lại mắc bệnh tâm thần, cả ngày chỉ đi lang thang trong làng rồi lại vào rừng. Trong ký ức của Nguyên, chỉ có hình ảnh bà nội là người đã nuôi nấng, chăm sóc em từ nhỏ.
Nguyên kể, đó là khoảng thời gian ám ảnh nhất cuộc đời em với những lần tìm bố đi lạc đến nửa tháng trời, những chiều ngóng mẹ trở về mãi không thấy dáng. Cuộc sống của 2 bà cháu lại quá cơ cực, cơm chẳng đủ ăn, hàng ngày em vẫn phải đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền phụ bà nội trang trải cuộc sống.
Nhưng số phận cũng đã mỉm cười với Nguyên ngay vào lúc em rơi vào cảnh khốn cùng nhất, đó là khi anh Nguyễn Hữu Dũng biết được hoàn cảnh của Nguyên và tìm về tận nhà em, đến trường để xem em sống, nhìn em học.
Anh Dũng kể: "Cách đây gần 10 năm, tôi biết thông tin một cháu bé ở Bắc Giang có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố bị tâm thần, mẹ bỏ đi, ông nội là bộ đội đã mất, cháu nhỏ ở với bà nội. Nghe nói cháu dù còn bé ngày ngày phải đi mò cua bắt ốc, cơm chẳng đủ ăn mà nó vẫn kiên trì đi học nên tôi tìm lên Bắc Giang, ra tận trường xem nó học hành thế nào. Sau đó tôi bàn với các thành viên trong cơ quan rồi thống nhất sẽ nuôi cháu đến khi trưởng thành".
"Vì cháu còn có bà nên hàng tháng, chú Tiến ở cơ quan tôi sống trên Bắc Giang mua gạo và chở vào cho 2 bà cháu ăn hàng tháng.
Như vậy, cháu đã có gạo ăn, sách vở chúng tôi mua cho cháu. Ngoài ra, tôi gửi tiền mua thức ăn cho cháu 6 tháng 1 lần và nhờ trường học giữ. Cứ đều đặn, hàng tháng bà cháu đến trường nhận tiền về.
Với việc học hành, cô Hằng, phòng Hành chính là người phụ trách nên thỉnh thoảng gọi điện cho cô chủ nhiệm hỏi thăm việc học của Nguyên", anh Dũng nói thêm.
Anh Dũng và Nguyên hiện tại. |
Đến khi Nguyên học hết THPT, anh Dũng thuê nhà cho Nguyên đi học Trung cấp Dược. Hàng ngày nếu không bận học, Nguyên sẽ vào cơ quan "bác Dũng" làm thêm và được trả lương. Đến tháng 8 này, cậu bé ngày đó sẽ chuẩn bị ra trường.
Anh Dũng kể: “Thằng Nguyên nó ở nông thôn không có ai kèm cặp học hành nhưng nó cũng ngoan ngoãn, thương bà lắm. Dù có bác hỗ trợ nhưng vẫn tự nó xoay xở hàng ngày, không đua đòi chơi bời lêu lổng.
Tôi xúc động nhất là lúc còn bé, khi lên chơi với bác còn biết vào rừng nhặt hạt dẻ hay hái quả nhãn ra làm quà cho bác. Nó bé thế mà đã có tình nghĩa như vậy.
Chúng tôi định hỗ trợ nuôi cháu đến khi học hết phổ thông trung học nhưng rồi thấy chưa trọn vẹn nên lại cho cháu học tiếp đến khi tốt nghiệp trung cấp Dược.
Tôi mong muốn trong cộng đồng dược, mỗi doanh nghiệp dược có thể nhận nuôi 1 cháu bé, giúp đến nơi đến chốn, lựa chọn và nuôi cho cháu hết phổ thông, có nghề rồi thả ra cho cháu tự sống”, anh Dũng nói.
Trả lời về lý do nhận cưu mang cậu bé xa lạ, anh Dũng tâm sự: "Tôi thấy nó khổ thì tôi thương. Chắc từ bé, tôi đã có những cảm xúc như vậy khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Công ty tôi nuôi thằng cu này cũng đơn giản lắm. Mỗi người chia nhau một việc, mình tôi cũng không thể làm gì.
Tôi làm như vậy chỉ hy vọng giúp được cháu bé nên người. Nếu mình không giúp thì cháu không được học, giúp thì nó trở thành công dân tốt”.
Trước khi chia tay, anh Dũng còn trăn trở, nếu các đơn vị, cá nhân có điều kiện và có tấm lòng sẽ giúp được nhiều cháu. "Chi phí nuôi các cháu tôi nghĩ có thể có được nhưng quan trọng là cần kiên trì và lâu dài.
Chúng ta nuôi, hỗ trợ các cháu ăn học là tặng cần câu chứ không cho cá. Nếu giúp tiền sẽ hết vèo nhưng nếu nuôi cho cháu ăn học lâu dài nó sẽ giúp cả 1 cuộc đời”.