Câu chuyện của hai nhân vật ấn tượng

Câu chuyện của hai nhân vật ấn tượng

Quý học trò như con

Từ tiếng gọi của tình yêu và lòng thôi thúc nghề nghiệp, cô Kim Thị Minh đã đến với học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú ở bản Thăm Thẳm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương - một huyện giáp biên đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An.

Cả bản chỉ có vài chục hộ dân với hơn chục học sinh. Không có đường, không có điện, nên đời sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn.

Nhớ lại những ngày đầu phải rời xa con để lên đây công tác, cô Minh đã khóc bao ngày vì nhớ nhung. Cô kể: “Tôi nhớ con, thương con và không ít lần muốn chạy về ôm con một cái rồi đi. Tôi thương cả những giấc mơ con cất tiếng gọi mẹ... nên mỗi lần nhắc đến con là không cầm được nước mắt”. Nói đến đây, cô Minh lại khóc nấc dù đã trải qua thời gian hơn mười năm.

Gạt nỗi niềm riêng, cô Minh coi học sinh dân tộc như con của mình. Cô dồn hết tình yêu vào các em và thấy mình may mắn khi được ôm “một đàn con” líu lo mỗi ngày. Cứ thế, ngày tháng trôi qua, nhiều thế hệ học sinh ra trường và trưởng thành, còn cô vẫn miệt mài bên trang giáo án nơi vùng khó.

Hầu hết, học sinh dân tộc đều nhút nhát nên các em gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Khi đến với lớp, hình ảnh cơ sở vật chất thiếu thốn khiến cô chạnh lòng. Học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi do gia đình khó khăn, không được quan tâm chuyện học hành. Chính vì vậy, cô lại thương các em hơn và luôn nỗ lực tìm ra phương pháp dạy học, chăm sóc phù hợp nhất.

Việc đầu tiên cô Minh dạy các con không phải là bài học vỡ lòng hay phép cộng trừ nhân chia. Cô dùng tình yêu thương để các con thấy được sự thân thiện, gần gũi, chỉ khi đó việc học mới trở lên dễ dàng và khiến các em chăm chỉ đến trường.

Đến nay, cô Minh đã có 12 năm gắn bó với học sinh dân tộc Mông. Cô cũng chẳng thể ngờ, đến một ngày, mình lại là nhân vật chính trong tác phẩm báo chí được gửi đi dự thi. Cô nói: “Tôi vô cùng xúc động khi xem lại hình ảnh của mình, của học trò. Mặc dù đó là những hình ảnh mà tôi vẫn gắn bó thường ngày nhưng nhớ lại những chặng đường mà mình trải qua, tất cả như ký ức dội về. Đó là kỷ niệm của tôi với các con nên nước mắt cứ chảy dài vì hạnh phúc. Tôi nghĩ đến những học trò đầu tiên của tôi, những học sinh còn ngây ngô với đôi mắt trong veo. Tôi nghĩ đến gia đình, và các con tôi....Vì thế tôi thầm nghĩ, mình phải phấn đầu nhiều hơn nữa để xứng đáng với nghề, với trách nhiệm của một giáo viên”.

Phòng công vụ 3 thầy cô ở chung

Thầy Lưu Văn Hóa và cô Kim Thị Minh xúc động khi xem lại hình ảnh mà mình cùng học trò vượt qua thời gian khó khăn.
 Thầy Lưu Văn Hóa và cô Kim Thị Minh xúc động khi xem lại hình ảnh mà mình cùng học trò vượt qua thời gian khó khăn.

Không chỉ cô Minh mà còn rất nhiều thầy cô giáo từ miền xuôi lên bản dạy chữ cho trò, họ gạt nỗi niềm riêng để một lòng với nghề, với học sinh. Đó là câu chuyện của thầy Lưu Văn Hóa trong tác phẩm “Lớp học trên Nóc Ông Ruộng” ở tỉnh Quảng Nam.

Vào nghề được 22 năm, thầy giáo Lưu Văn Hóa – Giáo viên Trường Tiểu học Trà Văn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) gặp không ít khó khăn khi cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, học sinh ra lớp còn chưa đầy đủ. Thế nhưng, thầy Hóa cùng đồng nghiệp đã luôn cố gắng để vượt qua. Đặc biệt, học sinh của thầy luôn đến lớp đông đủ và các em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Nằm cheo leo trên đỉnh Đông Trường Sơn, Nóc Ông Ruộng là nơi sinh sống của 72 hộ dân người K’Dong ở thôn 3, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống của những người K’Dong ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên các thầy cô cũng không tránh nổi vất vả. Nơi đây biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện lưới, không nước sạch, không trạm y tế và chẳng có chợ để giao thương.

Điểm trường Nóc Ông Ruộng có 3 phòng học dành cho 37 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Cùng phụ trách 3 lớp, ngoài thầy Hóa còn có 2 cô giáo trẻ. Thầy Hóa kể: “Hồi đó, chỉ có một nhà công vụ, phòng rất bé, tôi và 2 cô giáo nữa phải ngủ chung trên 1 chiếc giường và chỉ có một cái rèm để che. Khi đi ngủ, cả 3 người không dám cựa mình vì sợ chạm vào nhau. Nhiều lúc thấy bất tiện nhưng trong điều kiện lúc đó, vào hoàn cảnh đó, chúng tôi phải vượt qua”.

Lớp học của thầy Hóa không có gì đặc biệt, ngoài sự thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, điều mà người thầy coi là đặc biệt chính là tình cảm của học trò. Các con tuy nhút nhát nhưng rất tôn trọng và quý mến thầy cô. Ở đó lâu ngày, thầy và trò coi nhau như người thân ruột thịt.

Năm nay đã 54 tuổi, thầy Hóa đã gắn bó với các em hơn 20 năm, thế nhưng, thầy vẫn chưa có được một tổ ấm riêng. Nói đến chuyện xây dựng gia đình, thầy chỉ cười và nói: “Có lẽ là duyên chưa tới nhưng tôi không buồn vì tôi có cả “đàn con”, ấy là hạnh phúc lớn nhất không phải ai cũng có được”.

Ngoài nhiệm vụ dạy học, chăm sóc học sinh, thầy Hóa còn cùng bà con trong bản mở đường cho các con đến trường, xây dựng trường lớp khang trang để học sinh yên tâm chỗ học. Những lúc rảnh rỗi, thầy Hóa cùng học sinh cuốc đất trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các em. Với thầy, đây là quê hương thứ hai với bao kỉ niệm sâu nặng. Thầy tâm sự: “Khi tôi thể hiện tình yêu thương của một người cha chăm sóc con cái, các con sẽ thích đến trường hơn. Đó cũng chính là tương lai của các em nên tôi không thể sao nhãng, lơ là”.

Khi mời thầy Hóa và cô Minh ra tòa soạn Báo Giáo dục và Thời đại để giao lưu trực tuyến với độc giả, thầy cô đều băn khoăn vì thời điểm đó, học trò đang cần ôn tập chuẩn bị kiến thức kiểm tra học kỳ. Nên vắng một, hai ngày, thầy cô không yên tâm. Thế là, thầy, cô phải trao đổi câu chuyện qua điện thoại. Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng do sóng điện thoại di động không ổn định. Nhiều lúc thầy, cô phải dừng câu chuyện vì bận lo cho học sinh ăn trưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.