Câu chuyện cảm động đằng sau những lá thư

GD&TĐ - Lá thư viết vội hay cái nắm tay thật chặt như thay lời muốn nói mà các bệnh nhân và người nhà gửi đến nhân viên y tế. Mỗi lá thư là một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng ẩn đằng sau nó sự biết ơn với những sẻ chia họ nhận được từ nhân viên y tế trong quá trình điều trị bệnh. Những việc làm nhỏ nhặt, thường ngày hay quyết định táo bạo đã làm ấm lòng người bệnh khi họ đang ở lằn ranh sinh - tử.  

Gánh nặng luôn đè lên vai bác sĩ phẫu thuật
Gánh nặng luôn đè lên vai bác sĩ phẫu thuật

Hạnh phúc vỡ òa

Có những lời cám ơn chân thành từ các bé gửi đến người đã trao giọt máu hồng. Có những lá thư viết vội của bệnh nhân/người nhà gửi đến y bác sĩ sau thời gian dài đồng hành với họ khi đang ở lằn ranh sinh - tử nay khỏe mạnh trở lại. Bấy nhiêu thôi cũng đủ vẽ lên bức tranh sống động nhưng cũng thấm đẫm tình người trong cơ sở y tế.

Đọc thư của bệnh nhân và người nhà dường như đã trở thành thói quen của nhiều bác sĩ. Là hoạt động thường niên của các bệnh viện, sau sinh hoạt chuyên môn. Tại Bệnh viện E, rất nhiều buổi giao ban giống như lễ tri ân khi những bức thư cám ơn của người bệnh được đọc lên. Cả lãnh đạo bệnh viện lẫn bác sĩ đôi khi không giấu được cảm xúc. Có người mắt rớm lệ khi công việc của mình đã cứu sống nhiều người khỏi lưỡi hái tử thần và được người nhà ghi nhận, chia sẻ.

“Chứng kiến các bác sĩ thức trắng đêm, giành giật sự sống cho chồng, cha chúng tôi mới cảm nhận hết tấm lòng cao cả của người thầy thuốc. Thực sự có vào cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện E, người thân của chúng tôi mới có cơ hội sống và là may mắn của người bệnh…” là một phần nội dung bức thư người nhà bệnh nhân Đỗ Mạnh Tuấn (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) gửi đến bác sĩ của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E).

Hay những dòng tâm sự của chị gái bệnh nhi 14 tuổi -Nguyễn Thái H đến từ Quảng Trạch (Quảng Bình) nhân ngày em chuẩn bị ra viện cho thấy trong những lúc khó khăn, đen tối nhất của cuộc đời, luôn có những cánh tay dang rộng đưa các em vượt qua giông bão. Đó đơn giản là lời động viên của nhân viên y tế, là những bữa cơm từ thiện hay số tiền phẫu thuật được Phòng công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) kêu gọi, kết nối với cộng đồng không chỉ giúp bệnh nhi 14 tuổi “thay vì nằm im một chỗ, sốt cao nay có thể chạy nhảy, hát líu lo…”.

Còn rất nhiều, rất nhiều những mảnh đời éo le, những ca bệnh nặng được nhân viên y tế, cộng đồng chung tay giúp đỡ. Những cánh tay dù quen, dù lạ, khi ít lúc nhiều đã giúp bệnh nhân và người nhà ấm lòng, giúp họ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đớn đau của bệnh tật.

Đằng sau mỗi lá thư cám ơn là một câu chuyện, một cuộc đời

Đằng sau mỗi lá thư cám ơn là một câu chuyện, một cuộc đời

Cuộc chạy đua trong đêm

Để có lời cám ơn, những cái bắt tay thật chặt của người bệnh, người nhà họ là những quyết định táo bạo, là quá trình chạy đua với thời gian, căng não trong phòng mổ của nhân viên y tế.

Bệnh nhân may mắn được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) giành lại sự sống trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” là anh Đỗ Mạnh Tuấn, 55 tuổi (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk).

Mỗi lá thư, một cái bắt tay là một câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc đời, số phận con người. Nhưng đằng sau đó là niềm vui, hạnh phúc của người bệnh và người nhà khi cuộc sống được hồi sinh và vui hơn nữa ở nơi cận kề cái chết, tình người lại bừng sáng và lan tỏa. 

Trong chuyến công tác ra ngoài Bắc, anh Tuấn có biểu hiện đau ngực không ổn định, khám và điều trị tại bệnh viện của Bộ Công an, Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp để đặt stent thì xuất hiện lóc tách động mạch chủ ngực. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E trong tình trạng cấp cứu tối cấp: Đau ngực dữ dội, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt… Siêu âm tim có hình ảnh lóc tách từ xoang động mạch vành trái vào động mạch chủ.

Nhận tin có bệnh nhân nặng cấp cứu lúc 8 giờ tối. Hà Nội lúc này ngập trong nước bởi mưa giông nhưng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch “lao” vào cơn giông để đến bệnh viện nhanh nhất có thể. “Chỉ kịp thay bộ quần áo, lau vội mái tóc đẫm nước mưa, chúng tôi tiếp cận bệnh nhân, khám và xin hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện”, ThS. Bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E) nhớ lại.

Quyết định mổ cấp cứu được đưa ra ngay sau đó. Hàng loạt thủ thuật được thực hiện để mở lồng ngực, mở động mạch chủ, lấy huyết khối, khâu lại các lớp áo động chủ chủ, sử dụng keo sinh học, thay đoạn động mạch chủ lên và một phần xoang valsava trái bằng động mạch nhân tạo rồi bắc cầu động mạch chủ - nhánh động mạch phân giác bằng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều… Sau 6 giờ đồng hồ căng não trong phòng mổ, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho người bệnh. Ra khỏi phòng khi trời mờ sáng, dù mệt nhưng ai nấy đều vui bởi ca phẫu thuật đã thành công.

Không phải chạy đua trong đêm nhưng các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội mới đây lại chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân 11 tuổi (Hải Phòng) bị u thân não chảy máu nguy kịch, bị nhiều bệnh viện trả về.

Nhập viện trong tình trạng gần như không còn cơ hội sống nhưng với mong muốn “còn nước còn tát”, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh I đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi sau hội chẩn liên khoa. Và may mắn đã mỉm cười, với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, sau 3 giờ đồng hồ, khối u được giải quyết. Lúc này, mọi lo lắng về biến chứng có thể xảy ra trên bàn mổ khiến người bệnh tử vong ngay lập tức mới thực sự tan biến.

Nỗi lo của bác sĩ được rũ bỏ cũng là lúc niềm hạnh phúc vỡ òa với người nhà bệnh nhi. Thành quả của ca phẫu thuật chạy đua với thời gian hay “bất chấp tất cả” là sự phục hồi của bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ