Cấp trùng thẻ BHYT: Lắm mối, tốn tiền Nhà nước

Việc cấp trùng thẻ BHYT xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua. Các địa phương đã khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại công tác này. Tuy nhiên, sau rà soát vẫn còn tình trạng cấp trùng thẻ BHYT...

Cần khắc phục nhanh việc cấp trùng thẻ BHYT.
Cần khắc phục nhanh việc cấp trùng thẻ BHYT.

Chồng chéo thẻ BHYT miễn phí

Việc cấp trùng thẻ BHYT xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua. Các địa phương đã khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại công tác này.

Tại tỉnh Đồng Tháp, qua rà soát trong tổng số 1,3 triệu thẻ phát hành năm 2011 và 2012, có 38.000 thẻ cấp trùng, tương ứng với số tiền 15 tỷ đồng, đối tượng nhiều nhất là trẻ em, người nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên. 

Còn ở Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh với tổng số thẻ cấp trùng trên 21.130, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Việc cấp trùng này rơi nhiều nhất vào 3 đối tượng: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi. 

Nguyên nhân, theo lý giải của ngành chức năng là có quá nhiều ban, ngành đảm nhận việc đề nghị cấp thẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp trùng thẻ BHYT giữa các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT và đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí được ông Lâm Duy Tín - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai - cho biết: 

Số thẻ bị cấp trùng tập trung nhiều ở nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, thân nhân sĩ quan quân đội, công an... 

Do có nhiều nhóm được cấp thẻ miễn phí nên có thể một người cùng lúc thuộc 2-3 diện được cấp thẻ. Chẳng hạn, một người vừa thuộc diện dân tộc thiểu số, vừa là người nghèo, vừa là đối tượng bảo trợ xã hội; hay trẻ em dưới 6 tuổi có cha hay mẹ công tác trong lực lượng công an, quân đội..

Bà Lưu Thị Quý - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Điện Biên - nói: Do chính quyền xã chưa có sự kiểm tra, rà soát đồng bộ giữa các nhóm đối tượng được thụ hưởng chế độ BHYT miễn phí. 

Với một số cơ quan công an, bộ đội, các cơ quan, đơn vị mua thẻ BHYT là Bộ Quốc phòng in và phát hành thẻ BHYT, rất dễ trùng với đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số tại địa phương nên dẫn đến nhiều trường hợp được lập danh sách 2 - 3 lần. 

Quá trình thực hiện việc mua, cấp thẻ được thực hiện ở các thời điểm khác nhau nên có đối tượng được lập danh sách nhiều lần. 

Tại các trường học, học sinh mua thẻ BHYT thường vào năm học mới (khoảng trung tuần tháng 9) nhưng ở các xã, phường đến tận cuối năm chính quyền mới tiến hành rà soát hộ nghèo nên nhiều người lại được lập danh sách cấp thẻ lần nữa.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng cấp trùng thẻ BHYT đối với nhóm nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số được lý giải là do người dân kê khai không chính xác ngày, tháng, năm sinh; tên gọi của người dân tộc khác với chữ viết phổ thông cũng dễ dẫn đến việc nhầm. 

Cùng với đó là tình trạng di dịch cư tự do trên địa bàn một số huyện Mường Nhé, Mường Chà nên có gia đình kê khai cấp thẻ ở vài nơi.

Một đầu mối, một cơ quan chịu trách nhiệm

Để giảm thiểu việc cấp trùng thẻ BHYT, UBND tỉnh Điện Biên giao UBND xã là đầu mối duy nhất theo dõi và quản lý đối tượng được cấp thẻ miễn phí ở cơ sở. 

Trước khi phê duyệt danh sách đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT, chính quyền các huyện, thị cần rà soát đầy đủ các thông tin cá nhân như: tên đệm, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ thôn, bản của người được cấp thẻ và tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT đến với người dân để họ thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm, tự giác báo cơ quan chức năng khi phát hiện cấp thẻ trùng.

Để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND: “Quy định phân cấp quản lý, lập danh sách mua, cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT trên địa bàn tỉnh”. 

Có thể nói, với quy định này đã phân biệt cụ thể từ đối tượng tham gia mua thẻ BHYT đến việc thành lập Hội đồng BHYT cấp xã, quy định việc tổ chức mua, thời gian phát hành thẻ, đơn vị cấp, phát thẻ... 

Đáng nói là từ nay trách nhiệm của các đơn vị liên quan và chính quyền cơ sở được xác định rõ đến tới trưởng thôn, khu phố.

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tiến hành thu hồi số thẻ BHYT cấp trùng trong 2 năm 2011 - 2012 dựa trên nguyên tắc: giữ lại thẻ BHYT được hưởng quyền lợi cao nhất cho đối tượng. 

Khoản chi cho những thẻ BHYT cấp trùng này cũng đã được rà soát để hoàn trả lại ngân sách nhà nước. Việc cấp trùng hàng chục ngàn thẻ và kéo dài trong nhiều năm liên tục gây lãng phí không nhỏ. Trước hết, gây lãng phí tiền công in ấn, giấy tờ, chi phí kiểm tra, rà soát... 

Chưa kể, tại một số địa phương, tiền mua thẻ BHYT cho những đối tượng thuộc ngân sách đóng đã chi cho các bệnh viện theo định suất đầu thẻ. 

Trong số này, không ít đơn vị đã sử dụng hết nên việc thu hồi trả lại ngân sách nhà nước khó có thể đầy đủ. 

Trong khi chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam có những giải pháp mới hạn chế cấp trùng thẻ BHYT, như: thực hiện bộ mã định danh mới, cấp thẻ BHYT có dán ảnh chủ thẻ... thì giải pháp quy về một đầu mối được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc thống nhất giao cho 3 cơ quan chính là: Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TBXH và Sở Tài chính soạn thảo một quy chế phối hợp, giao cho phòng LĐ-TBXH cấp huyện làm công tác tập hợp và rà soát trước khi chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để in thẻ.

Phía tỉnh Đồng Tháp đã đề ra giải pháp, xây dựng và triển khai trên toàn tỉnh phần mềm hỗ trợ phát hiện các trường hợp trùng trước khi lập danh sách cấp mới thẻ BHYT; thành lập tổ rà soát thẻ BHYT cấp huyện và cấp xã để phục vụ cho công tác lập danh sách; UBND cấp xã là cơ quan đầu mối duy nhất lập danh sách người tham gia BHYT, chịu trách nhiệm trong việc đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Theo Suckhoedoisong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ