Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các vị khách mời tại buổi đối thoại trực tuyến |
(GD&TĐ) - Ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tham gia đối thoại trực tuyến tại báo Vietnamnet cùng các vị khách mời. Trước đó, Bộ trưởng đã tham gia buổi đối thoại tại Đài Truyền hình Việt Nam - Thể hiện sự lắng nghe, chia sẻ của vị lãnh đạo ngành Giáo dục trước những vấn đề về GD - ĐT.
Tham gia buổi đối thoại trực tuyến cùng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có các vị khách mời: Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Ông Christian Bodewig - Tác giả chính của Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới.
Với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các vị khách mời đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả gửi về. Báo GD&TĐ xin trích đăng một số trao đổi, chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các vị khách mời xung quanh những thay đổi của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.
Đổi mới tư duy, nhận thức – khâu khởi đầu có ý nghĩa quan trọng
Thế giới việc làm luôn thay đổi, nhu cầu kỹ năng từ thị trường luôn thay đổi. Phải chăng ngành Giáo dục đang theo đuổi một mục tiêu di động để đáp ứng với đòi hỏi của thế giới việc làm? Theo Bộ trưởng, Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT có nội dung nào mà ông tâm đắc nhất để có thể "bắt " được những mục tiêu di động đó? (Hoàng Minh Tuấn, 45 tuổi)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đúng là thị trường lao động cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, đòi hỏi những năng lực, kỹ năng, phẩm chất của học sinh, sinh viên được đào tạo ra luôn phải cập nhật yêu cầu của thị trường. Đó là một đòi hỏi của thời đại và đó cũng là một mục tiêu quan trọng của công cuộc đổi mới.
Tất cả nội dung của Đề án đều là những bộ phận không thể thiếu được trong quá trình triển khai Đề án này. Tôi không thể nói được cái nào là “bắt” được mục tiêu đó. Tất cả giải pháp đều phải triển khai đồng bộ.
Chỉ có một điều chúng tôi nghĩ rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.
Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là một giải pháp đột phá. Bởi đổi mới giáo dục – đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD&ĐT hay cá nhân Bộ trưởng, mà gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên phải cùng đổi mới. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp, tập huấn rất ăn khớp. Cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành Giáo dục triển khai, mà các ngành các cấp, cả xã hội phải vào cuộc đổi mới giáo dục. Yếu tố quản lý rất quyết định.
Trong ngành Giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá, then chốt trong triển khai Đề án. Cũng giống như trong trận chiến quyết định để thống nhất đất nước, mục tiêu của chúng ta là phải vào đến Sài Gòn, nhưng khâu đột phá lại là Buôn Ma Thuột. Chúng tôi tiếp thu tinh thần, kinh nghiệm của cha ông, chọn đổi mới thi của là khâu đột phá - khâu xung yếu - chưa phải là khâu kết thúc, nhưng có giá trị lan tỏa và triển khai có thể chắc thắng.
Trong thực tế giáo dục, có thể thấy khâu thi cử không đòi hỏi nhiều điều kiện về tài chính, đầu tư nhân lực hay cơ sở vật chất, nhưng lại có ý nghĩa có thể xoay chuyển từng bước việc dạy - học, và thay đổi cả nhận thức, tư duy của thầy và trò.
Thi cử cũng là vấn đề cả xã hội đang rất quan tâm. Chúng tôi xác định như vậy để triển khai từng bước một, tạo nên sự thay đổi ở một bộ phận, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống, nhằm tạo ra một sự thay đổi về chất trong giáo dục – đào tạo.
Với quản lý thì cả hệ thống phải thay đổi. Cơ quan Bộ GD&ĐT – nói một cách hình ảnh là Tổng hành dinh - phải thay đổi và hiện đã, đang và sẽ đi trước, thay đổi nhiều việc để tạo nên xung lực, tiền đề cho sự thay đổi trong cả hệ thống quản lý. Thế nên mỗi cán bộ công chức trong Bộ GD&ĐT phải tự đổi mới bản thân để tạo nên sự thay đổi của cả cơ quan, tạo động lực của đầu tàu để có sự thay đổi của cả hệ thống quản lý.
Đổi mới để hệ thống giáo dục nhạy bén với thay đổi của thời đại
Ông Christian Bodewig |
Ông Christian Bodewig: Những kỹ năng về mặt nhận thức ở cấp độ cao, ví dụ như những kỹ năng về tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hành vi bao gồm kỹ năng làm việc theo nhóm là những kỹ năng của tương lai. Có nghĩa là đây là những kỹ năng đã quan trọng ở thời điểm hiện tại nhưng trong tương lai, nó vẫn tiếp tục quan trọng và không bao giờ lỗi thời.
Cho nên, chúng ta nếu thực hiện thay đổi trong hệ thống giáo dục thì cần thay đổi làm sao để tạo ra được những kỹ năng này, xây dựng được những trình độ kỹ năng tốt trong các khía cạnh đó cho lực lượng lao động. Chúng ta thấy yêu cầu về kỹ năng chuyên môn kỹ thuật thì sẽ có thay đổi, bởi vì công nghệ thay đổi rất nhanh. Ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy những thay đổi rất nhanh về công nghệ như vậy. Điều quan trọng là làm sao chúng ta có thể thay đổi được hệ thống giáo dục để hệ thống giáo dục nhạy bén với thay đổi của thời đại, của công nghệ…. tạo ra sự tự chủ của cơ quan cung cấp dịch vụ giáo dục, hay là các cơ sở giáo dục đào tạo để họ nhạy bén trước những tín hiệu mà thị trường phát ra.
Khi có những thông tin nói rằng những công ty hoặc nhà tuyển dụng muốn tìm những kỹ năng chuyên môn kỹ thuật nhưng lại không tìm được hoặc thấy không đầy đủ, thực ra, đó có thể là một điều tốt bởi vì các nhà tuyển dụng luôn mong muốn nhiều hơn là những cái mà họ có thể tìm được trên thị trường.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải đổi mới hệ thống giáo dục để nó nhạy bén trước những tín hiệu trong thị trường cũng như trước những thay đổi của thời đại.
Làm thế nào để tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động?
Bà Victoria Kwakwa |
Bà Victoria Kwakwa: Lời khuyên đầu tiên của tôi là các bạn thanh niên cần tự chịu trách nhiệm về tương lai, số phận của mình. Đừng chờ đợi để số phận đến với chúng ta như thế nào và chấp nhận như vậy, mà hãy quyết định bằng cách đặt ra mục tiêu của cuộc đời. Hãy tìm kiếm cơ hội, nguồn lực để thực hiện được điều mình mong muốn.
Có rất nhiều người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp… những người luôn sẵn lòng hỗ trợ chúng ta. Hoặc có thể tìm nhiều nguồn lực khác nhau để tự giúp mình định hình nên kỹ năng và tham gia một cách tích cực, hiệu quả trong thị trường lao động cũng như là trong xã hội. Quan trọng là hãy chủ động và nhận ra bản thân là một phần của giải pháp để giúp giải quyết tất cả thách thức gặp phải. Cần chủ động trong việc tìm kiếm, sử dụng thông tin.
Tôi cho rằng kỹ năng hành vi, kỹ năng làm việc theo nhóm… phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của bản thân và mỗi người có thể tìm ra nhiều cách khác nhau để tự giúp mình có được những kỹ năng đó. Quan trọng nhất là hãy đặt cho mình trách nhiệm đối với sự nghiệp học tập, sử dụng những gì học được một cách hiệu quả. Phải luôn mong muốn tìm tòi và hãy cố gắng đắm mình trong những trải nghiệm để đạt được mục tiêu, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu mà bản thân mong muốn.
Theo Vietnamnet