Cấp bách trang bị kiến thức cho HSSV về phòng chống thiên tai

GD&TĐ - Sáng nay (14/5), Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phối hợp với Unicef tại Việt Nam tổ chức, cùng với hỗ trợ của UBND tỉnh Hòa Bình, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai; Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt nam – ngày 22/5/1946-22/5/2018”.

Cấp bách trang bị kiến thức cho HSSV về phòng chống thiên tai
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam” tại các trường phổ thông dưới hình thức lồng ghép vào buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần từ ngày 14/5 đến ngày 18/5/2018.
 

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên nhấn mạnh: Thực tế đã chỉ ra rằng, thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để hiểm họa đó không trở thành thảm họa là điều mà chúng ta có thể làm được.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên phát biểu tại lễ mít tinh
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên phát biểu tại lễ mít tinh 

Điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi địa phương là khác nhau, nhiều nơi còn rất khó khăn, nhưng nếu được trang bị kiến thức kiến thức, kĩ năng về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai để chủ động vận dụng sáng tạo thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi biến đổi khí hậu đang là một vấn đề cấp bách của toàn cầu thì việc đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch truyền thông về biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, trong nhà trường cũng như trang bị các kiến thức liên quan cho mọi người dân đặc biệt đối với học sinh, sinh viên là một vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành giáo dục và của toàn xã hội.

Chiến dịch truyền thông “Xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai” qua hệ thống giáo dục và huy động sự tham gia của học sinh trong nhà trường với các hoạt động truyền thông sáng tạo đóng vai trò cốt lõi trong chiến dịch này. Các em học sinh là tác nhân tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng nơi các em sinh sống theo những cách thức hiệu quả.

Tại trường học, chủ đề là “Trường học an toàn trước thiên tai”. Hoạt động hưởng ứng góp phần vào việc thực hiện Luật về phòng chống chống thiên tai và cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt Khung Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cụ thể là các ưu tiên 1 (Hiểu về rủi ro thiên tai), ưu tiên 2 (Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai), ưu tiên 4 (Tăng cường chuẩn bị dự phòng để ứng phó hiệu quả và xây dựng lại tốt hơn trong phục hồi và tái thiết, và quan hệ đối tác để thực hiện các ưu tiên này, trong đó hệ thống của Liên hợp quốc đóng một vai trò quan trọng).

Lễ mít tinh còn có nhiều tiết mục văn nghệ của các em học sinh Trường tiểu học Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình)
  Lễ mít tinh còn có nhiều tiết mục văn nghệ của các em học sinh Trường tiểu học Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình)

Trong các năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế trong đó có Unicef đã triển khai nhiều giải pháp thực tế. Các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai một cách có hệ thống thông qua sáng kiến trường học an toàn; Sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng và khả năng chống chịu của trẻ em và hệ thống trường học để chuẩn bị, ứng phó với thiên tai và tăng cường phục hồi nhanh từ thiên tai và các trường hợp khẩn cấp cũng như các giải pháp truyền thông trên tất cả các tỉnh, thành và trên tất cả các trường học ở Việt Nam.

Thông điệp của ngành Giáo dục trong giai đoạn 2018-2023 đó là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành giáo dục và của toàn xã hội.

Tăng cường công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và những thách thức phát triển bền vững khác được thể hiện tại các cam kết của Chính phủ Việt Nam thông qua Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đông đảo học sinh tham gia hưởng ứng lễ mít tinh
 Đông đảo học sinh tham gia hưởng ứng lễ mít tinh

Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ GD&ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chương trình phối hợp công tác số 3485 ngày 08/5/2018 “về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành GD&ĐT giai đoạn 2018-2023 với các thông điệp:

Tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục; Nâng cao nhận thức, năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên trong công tác PCTT; Tăng cường giáo dục pháp luật về PCTT trong ngành Giáo dục; Góp phần hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy và học khi thiên tai xảy ra; xây dựng cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường, giảm thiểu các rủi ro về đuối nước và phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 

72 năm trước, vào ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Uỷ ban Trung ương về hộ đê, tiền thân của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày nay.

Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam" được coi là cột mốc truyền thông quan trọng ngay trước mùa bão để nhắc nhở, khuyến khích và vận động nhân dân, toàn bộ hệ thống hành chính các cấp, hệ thống trường học và các ngành nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tăng cường nỗ lực trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó với thiên tai.

Chiến dịch truyền thông được thực hiện dưới sự lãnh đạo và điều phối tổng thể của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai từ trung ương đến địa phương, thông qua một loạt các hoạt động liên ngành nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, và vận động xã hội cùng hành động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ