Cấp bách đào tạo nhân lực ngành Du lịch

GD&TĐ - Những chính sách hợp tác và thúc đẩy du lịch trong khu vực ASEAN đang được các nước tích cực triển khai. Ngành Du lịch đã và đang đóng góp đáng kể cho GDP của ASEAN, đồng thời tạo việc làm cho hàng triệu người dân của khu vực. 

Cấp bách đào tạo nhân lực ngành Du lịch

Đối với Việt Nam nói riêng, khi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng thu hút lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đang tỏ ra phát huy hiệu quả, thì việc đào tạo nhân lực ngành lại càng trở nên cấp bách hơn.

Tăng trưởng từ chính sách hợp lý

Thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2016 ước đạt 757.244 lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 5 tháng năm 2016 ước đạt trên 4 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, nhóm thị trường được miễn visa theo Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/6/2015 đều tăng như: Italy tăng 30,1%; Anh tăng 24,4%; Tây Ban Nha tăng 22,4%, Đức tăng 17,6%, Pháp tăng 13%. Những tín hiệu khả quan về tăng trưởng khách quốc tế đầu năm 2016 cho thấy, chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch cũng như việc hợp tác du lịch với các nước tiềm năng đã mang lại nhiều hiệu quả.

Bên cạnh sự cố gắng của Việt Nam, sự hợp tác, hỗ trợ của các nước trong khu vực và trên thế giới đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan, các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines, cùng các nước bạn bè truyền thống như Liên bang Nga và một số nước Đông Âu...

Cũng theo Tổng cục Du lịch, Chiến lược Phát triển du lịch của ASEAN trong 5 năm tới, kế hoạch lập visa chung duy nhất đã được các cơ quan du lịch nhiều nước ASEAN ủng hộ, dù rằng hiện vẫn còn một số lo ngại do những rào cản, khác biệt về chính trị, công nghệ, an ninh chủ quyền, tuy nhiên trong tương lai sẽ có thể thiết lập được quy chế cấp visa duy nhất cho toàn khối ASEAN.

Kế hoạch một visa cho ASEAN được xem là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong toàn khối ASEAN, trong đó có ngành công nghiệp du lịch tại mỗi quốc gia. Lĩnh vực du lịch sẽ có thêm nhiều việc làm nhưng đồng thời, nó cũng khiến cho tính cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao. Điều sẽ thu hút thêm nhiều khách quốc tế từ châu Âu và Mỹ đến du lịch tại ASEAN.

Chuẩn hóa kỹ năng nghề

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) cho hay, với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp như: Hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, đầu bếp… trong ngành ước cần 620.000 người. Trong 5 năm tới, con số này lên đến 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7,0%/năm. Ngành Du lịch hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2 - 3 lần so với các ngành trọng điểm khác như Giáo dục, Y tế, Tài chính…

Trước yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) cho phép dịch chuyển lao động tự do trong ngành Du lịch giữa các nước ASEAN thì việc chuẩn hóa kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp thiết. Sẽ không bao giờ muộn khi chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Được biết, Tổng cục Du lịch cũng đã đưa ra bộ “Tiêu chuẩn kĩ năng nghề du lịch Việt Nam” làm tiêu chuẩn phục vụ cho việc giảng dạy tại các trường đào tạo ngành Du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng bộ tiêu chuẩn này cần nhanh chóng được áp dụng và thống nhất trong quá trình giảng dạy. Các tiêu chuẩn chung này cần được xem là kim chỉ nam trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, chuyển dịch lao động khu vực sẽ gây ra những khó khăn đối với một vài quốc gia yếu thế trong việc giữ chân các lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó là những khó khăn đối với chính phủ trong quản lý người nhập cư. Điều này sẽ buộc tất cả các thành viên ASEAN cùng nhau chuẩn bị kỹ càng trước khi kế hoạch lập visa chung được chính thức thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ