Cao tốc Đà Nẵng hư hỏng như thế nào?

GD&TĐ - Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư có nhiều hư hỏng khi mới đưa vào sử dụng, cho đến cách khắc phục mang tính vá víu, tạm bợ vẫn đang làm “nóng” dư luận những ngày qua.

Nhiều hạng mục công trình trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn còn ngổn ngang
Nhiều hạng mục công trình trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn còn ngổn ngang

Mới đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, sụt lún

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài gần 140km, tổng vốn đầu tư hơn 34,5 ngàn tỷ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác. Dự án vừa mới thông xe chính thức toàn tuyến vào ngày 2/9. Tuy nhiên, những ngày qua, trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, VEC đã triển khai công tác khắc phục. Tuy nhiên, việc triển khai sửa chữa chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Cụ thể, trong ngày 10/10, việc vá, lấp các ổ gà trên đường cao tốc được công nhân dùng búa, đục mở rộng từng ổ gà, cho bê tông nhựa xuống rồi dùng lu tay tạo độ bằng phẳng trên mặt đường cao tốc.

Sau những chuyến thị sát liên tục từ lãnh đạo của Bộ GTVT, ngày 15/10, dây chuyền thiết bị cào bóc chuyên dụng bắt đầu chính thức triển khai xử lý hư hỏng cục bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để dứt điểm “ổ gà” phát sinh. Trao đổi với báo chí trong chuyến kiểm tra đột xuất trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào chiều 13/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tình trạng hư hỏng mặt đường cao tốc khối lượng không quá lớn, khoảng 70 m2 trên tổng số 3,1 triệu m2. Nhưng đối với đường cao tốc, lưu lượng xe rất lớn với tốc độ cao nên vấn đề an toàn giao thông phải đặt lên hàng đầu.

Đến ngày 15/10, VEC đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc trên tuyến, cào bóc các vị trí hư hỏng và theo như cam kết thì việc sửa chữa sẽ hoàn thành sớm nhất vào ngày 17/10, để đảm bảo an toàn giao thông khi lưu thông trên tuyến cao tốc.

Trước đó, vào ngày 24/9, VEC cũng đã triển khai vá sửa tạm các vị trí hư hỏng nhằm đảm bảo lưu thông trước mắt. Trên thực tế, ở những chỗ đã được “vá tạm” thì chỉ bằng tay không cũng có thể dễ dàng bóc lớp nhựa đường được vá. Chính vì vậy, dư luận vẫn đặt câu hỏi về chất lượng công trình sau khi hết thời hạn bảo hành khi cao tốc bị bong tróc trở lại quá nhanh và phải cắt, vá bù lần hai. Đây có phải là cách làm mang tính đối phó của chủ đầu tư?

Các đơn vị triển khai bóc, vá những đoạn hư hỏng, ổ gà trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam
Các đơn vị triển khai bóc, vá những đoạn hư hỏng, ổ gà trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhiều sai phạm đã từng được che giấu?

Biên bản số 39/BBTTr-T1 của Đoàn Thanh tra thuộc Bộ GTVT cho thấy, nhà thầu chính của gói thầu A5 là Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd đã ký hợp đồng với 17 nhà thầu phụ ở Việt Nam giao việc thi công 100% các nội dung thuộc gói thầu A5. Đoàn thanh tra Bộ GTVT do ông Lê Văn Doãn, Phó Chánh Thanh tra Bộ làm Trưởng đoàn, đã lập Biên bản thanh tra Công ty Posco

Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc) về việc “bán thầu” này.

Cụ thể, các trường hợp ký với INCICO, Công ty xây dựng cầu 75 (Cienco 8), Công ty Nền móng sông Đà Thăng Long miền Nam, Licogi 9, B.M.T, Evernew, Công ty Posco

Engineering & Construction Co.,Ltd đã có thư đề nghị của Tư vấn giám sát nhưng chưa có thư trả lời của chủ đầu tư. Còn các đơn vị như Công ty Á Đông, VINAIVES, Công ty Nam Phương, Semyung Electric and Power không có chấp thuận của chủ đầu tư nên nhà thầu chính đã cho dừng thi công trên công trường. Các trường hợp như B&T, Vinaconex, Công ty công trình 510, Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ trước khi chủ đầu tư chấp thuận (đã có đánh giá và đề xuất của Tư vấn giám sát)…

Về chất lượng công trình, theo nhận xét của đoàn thanh tra thì nhật ký thi công ghi chưa đầy đủ (thiếu nhiệt độ, thời gian…); Thiếu một số thí nghiệm tần suất cát, đá dùng cho bê tông xi măng; Công tác thi công cọc khoan nhồi về sơ đồ khoan cọc thay đổi so với biện pháp thi công được duyệt; dầm thép dự ứng lực không đáp ứng đủ yêu cầu, thiếu thí nghiệm modul cắt cao su cho gối cầu. Việc thi công đắp nền đoạn Km124+700 - Km128+610, Tư vấn giám sát cho phép thay đổi biện pháp đắp nền K95 từ đắp đất sang đắp cát nền đường kết hợp sử dụng đắp bao, thay đổi vật liệu từ đắp đất sang đắp cát, nhưng chưa có ý kiến của chủ đầu tư.

Ngoài ra, từ kết luận xác minh các nội dung tố cáo một số biểu hiện vi phạm của ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của VEC vào ngày 17/7/2018 cho thấy: “...chất lượng lớp base/subbase tại gói thầu A1, A2, A3 trong quá trình thi công và nghiệm thu đã được nhà thầu khắc phục bằng cách bóc vỏ và được Tư vấn giám sát chấp thuận. Do đó, trách nhiệm thuộc về Tư vấn giám sát và nhà thầu, công tác đảm bảo chất lượng đã được cụ thể hóa trong các điều kiện hợp đồng giữa VEC và các đơn vị”.

Một trong những nội dung đáng chú ý khác trong kết luận của VEC là sau khi đưa vào khai thác (từ ngày 2/8/2017), đoạn tường chắn MSE (gói thầu số 5) xuất hiện nhiều vết nứt bê tông. Ông Nguyễn Tiến Thành đã chỉ đạo nhà thầu đưa máy đục phá tạo rãnh bên phải tuyến và tiến hành khoan cắt, vá víu bê tông nhựa. “Với vai trò Giám đốc ban quản lý dự án, ông Thành giấu kín thông tin này”. Tuy nhiên, trong phần kiểm điểm trách nhiệm, VEC chỉ yêu cầu những tập thể, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ