(GD&TĐ)- Đến cụm trường THCS Lục Khu huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, không riêng các nhà quản lý giáo dục, ai cũng nhận thấy giáo viên và học sinh nơi đây đang dạy và học trong điều kiện quá thiếu thốn về CSVC và điều kiện sinh hoạt của những giáo viên ở nhà công vụ.
Trong một chuyến khảo sát đời sống giáo viên ở cơ sở tại Cao Bằng mới đây, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Hồ Thị Lam Trà cũng đồng tình với nhận định trên đây. Sở dĩ gọi là cụm trường vì ở đây có 3 cấp học chung Mầm non, Tiểu học và THCS xã Thượng Thôn giảng dạy chung một địa điểm.
Nước là vấn đề bức xúc tại khu nhà ở CV của cụm trường Thượng thôn. Ảnh, gdtd.vn |
Giáo viên Đàm Thị Luyên trường THCS Thượng Thôn, thị trấn Hà Quảng cho biết, tại đây, bậc Tiểu học có 19 phòng học tranh tre nứa lá. 35 lớp học Mầm non đang học chung với cấp Tiểu học và nếu tách trường, bậc MN sẽ thiếu 9 phòng học. Tại đây có tổng số 14 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ở nhà công vụ cho 33 giáo viên nhà ở xa.
Chị Luyên cũng phải ở nhà công vụ. Chị cho biết, do thiếu phòng, 2- 3 giáo viên phải ở ghép 1 phòng. Điều kiện ăn ở hết sức khó khăn. Không có chỗ nấu ăn, không có nhà vệ sinh, không có nước. Anh chị em giáo viên phải góp tiền xây nhà vệ sinh, làm lu chứa nước mưa để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do phải tích nước dùng quanh năm, để lâu nên chất lượng nước kém, bẩn nhưng vẫn phải dùng.
Năm học 2010- 2011, toàn huyện có 44 trường học các cấp từ Mầm non đến THPT và GDTX với tổng số 8560 học sinh. Trong đó có 81 điểm trường, 20 điểm trường chính, 61 điểm trường lẻ, có 54 lớp ghép. Số phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm còn nhiều, 284 phòng. Toàn huyện Hà Quảng có 877 CBGV, trong đó tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm tỷ lệ tương đối cao (trên 97%).
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao, 8,9% ở độ tuổi 3-5 tuổi; Mẫu giáo 5 tuổi đạt 98,4%. 100% TE 6 tuổi vào lớp 1. 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học vào học lớp 6. Thực hiện kế hoạch cấp THCS tăng 3,2% so với kế hoạch.
Các trường đã có nhiều cố gắng để duy trì sĩ số học sinh, nhưng vẫn có những học sinh ở xa trường, không có chỗ nội trú, do điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình học sinh phải giúp gia đình làm công việc nương rẫy, do học sinh học yếu không theo kịp yêu cầu chương trình học, do phong tục tập quán (xây dựng gia đình riêng sớm) nên tình trạng bỏ học vẫn còn xảy ra ở một số trường (chủ yếu ở các trường vùng cao). Tổng số học sinh bỏ học cả 03 cấp học: 137 chiếm 2,0%.
Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Cao Bằng, ông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: đời sống giáo viên trong tỉnh hầu hết dựa vào tiền lương hàng tháng. Ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc được giải quyết tiền lương đã là nguồn động viên lớn của họ (khái niệm tiền hỗ trợ, tiền thưởng hàng năm cũng như vào các dịp lễ, tết là xa lạ)
Nhà ở công vụ giáo viên tại đây cũng là vấn đề bức xúc nhưng hiện chưa đáp ứng đầy đủ. Do mạng lưới trường lớp cũng như số giáo viên không ngừng tăng lên: Năm học 2008 – 2009 khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà công vụ giáo viên, toàn tỉnh có 491 trường nay có 554 trường (tăng 63 trường), về giáo viên năm 2008 có 8.214 giáo viên thì nay đã là 11.828 (tăng 3.614 người) mà hầu hết tăng lên ở các vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều nhà giáo phải thuê nhà để ở.
Ông Duyên chia sẻ: nhiều giáo viên đã cam chịu thực tế khó khăn thiếu thốn tại các trường, phân trường vùng cao nơi nhận công tác giảng dạy, chấp nhận những hy sinh mất người yêu ở lại dạy học (một phần do yêu nghề, một phần do kế sinh nhai). Nhiều giáo viên sau do không chuyển vùng được đã ở lại và xây dựng gia đình xong việc xây dựng gia đình của họ không đúng nghĩa với hạnh phúc gia đình, nhiều cô đã lấy phải người không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, dễ đi vào con đường nghiện ngập ma túy, chỉ trong 3 năm trở lại đây đã hàng chục cô chồng chết do mắc nhiễm HIV/AIDS và hàng chục cô giáo bị nhiễm HIV/AIDS do bị lây nhiểm từ chồng sang (chỉ riêng huyện Bảo Lạc đã có 10 cô giáo).
Ông Duyên đánh giá, do nhiều nguyên nhân đem lại, đời sống gia đình giáo viên nơi đây còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt một phần cũng có tư tưởng sẽ xin được chuyển về quê.
Việc thực hiện luân chuyển giáo viên sau 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam là một vấn đề khó khăn, do số trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn chiếm tới hơn 2/3 số xã của tỉnh. Nhu cầu chuyển vùng thì nhiều xong nhu cầu tiếp nhận quá ít ỏi do vậy hầu hết các nhà giáo giảng dạy công tác ở vùng đặc biệt khó khăn sau ít nhất 10 năm mới có cơ hội xin được chuyển vùng.
Một số chính sách đối với nhà giáo giảng dạy ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo NĐ 61/2006 NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ chưa được thực hiện tốt, như : Chế độ tham quan, học tập; Chế độ luân chuyển; Phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và nước sạch; Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ của người dân tộc thiểu số; Chế độ trợ cấp tự học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác.../.
Một số hình ảnh sinh hoạt của giáo viên tại đây
POCV nhỏ này có 3 nam giáo viên ở. Ảnh, gdtd.vn |
Một giáo viên mang con đến POCV ở để tiện cho việc dạy học hàng tháng. Ảnh, gdtd.vn |
Không có chỗ nấu, phải nấu ngoài hiên. Ảnh, gdtd.vn |
Lu chứa nước mưa lấy nước sinh hoạt. Ảnh, gdtd.vn |
Một phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh, gdtd.vn |
Cửa, bàn ghế cũ nát. Ảnh, gdtd.vn |
Phòng hội đồng nhà trường bị xuống cấp, dột nát không dùng được nữa. Ảnh, gdtd.vn |
Dãy nhà lớp học đã xuống cấp. Ảnh, gdtd.vn |
Việt Hà