Cạnh tranh về chất lượng: Nền tảng thúc đẩy GD ĐH phát triển

GD&TĐ - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội khóa XIV thông qua tạo điều kiện pháp lí quan trọng để đổi mới toàn hệ thống ĐH, hướng đến hội nhập và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. 

Nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH sẽ là cuộc cạnh tranh công bằng (Trong ảnh:?SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội trong lễ tốt nghiệp)
Nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH sẽ là cuộc cạnh tranh công bằng (Trong ảnh:?SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội trong lễ tốt nghiệp)

Tuy thực tế vẫn còn nhiều trăn trở, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, cán bộ quản lý các trường ĐH, khi những “rào cản” kìm hãm sự phát triển của toàn hệ thống đã được tháo bỏ, chúng ta có thể tin tưởng vào một sự cất cánh của hệ thống GDĐH ở tương lai.

Giải quyết những vướng mắc của thực tế

Nhìn nhận và đánh giá về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội khóa XIV thông qua, TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Luật đã đạt được mục tiêu lớn là mở rộng phạm vi cũng như nâng cao hiệu quả của việc tự chủ đại học mang tính hệ thống. Đương nhiên, tự chủ không có nghĩa là phá rào, tự chủ đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, trong việc xác định và lựa chọn phương cách thực hiện mục tiêu.

“Thực tế, luật hóa việc các cơ sở đại học tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của mình mang đến cho các trường rất nhiều cơ hội. Có người cho rằng, điều này là thách thức, là rủi ro đối với các trường nhưng tôi cho rằng: Đây chính là cơ hội lớn cho các trường để đạt được 2 mục tiêu: Vừa tự chủ vừa tự mình ý thức và khẳng định làm phải luôn đúng”- TS Lý nói.

Cơ sở vật chất là yêu cầu mấu chốt để nâng cao chất lượng đào tạo (Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng thực hành tiếng)
Cơ sở vật chất là yêu cầu mấu chốt để nâng cao chất lượng đào tạo (Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng thực hành tiếng)

Có chung góc nhìn về độ mở của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT khẳng định: Luật đã giải quyết 3 việc lớn: Khắc phục những điều không phù hợp trong Luật GDĐH năm 2012; đẩy mạnh tự chủ - trao nhiều quyền tự quyết cho các trường, gỡ bỏ các rào cản hành chính thủ tục và ba là tập trung kiểm định nâng cao chất lượng.

“Cá nhân tôi nhận thấy, Luật lần này thực chất là bẻ lái để hệ thống GDĐH đi vào đường ray giáo dục đại học chuẩn mực quốc tế, với hai thanh ray chính là tự chủ và kiểm định chất lượng. Việc tự chủ sẽ buộc các trường phải kèm theo trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin” - TS Lê Trường Tùng phân tích.

Đẩy mạnh tự chủ, cạnh tranh về chất lượng

Theo TS Trần Đình Lý, cạnh tranh là xu hướng tất yếu. Và thực tế cho thấy, nếu lấy yếu tố chất lượng làm gốc, xuyên suốt thì sự tồn tại và phát triển của trường đại học sẽ mang tên... bền vững. Tuy nhiên, cạnh tranh thế nào mới là điều đáng quan tâm. Bởi đã từng có những sự cạnh tranh dựa vào một số tiêu chí rất ngắn hạn làm ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ cơ sở đó mà còn ảnh hưởng đến cả các trường nghiêm túc, đến cả ngành Giáo dục.

ĐHQG TPHCM trong giờ thực hành chuyên ngành
  • ĐHQG TPHCM trong giờ thực hành chuyên ngành

Vì vậy, để cuộc cạnh tranh chất lượng với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, giúp hệ thống GDĐH phát triển, TS Trần Đình Lý cho rằng: Tính tự chủ của các trường buộc phải gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo. Trong đó không thể bỏ qua vai trò giám sát của Bộ GD&ĐT.

 

Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung một số điều đã làm rõ vấn đề sở hữu, tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục ĐH công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Không đột phá, không quyết liệt thay đổi thì sẽ khó hoàn thành sứ mệnh cao cả của nền giáo dục khai phóng, vừa đón nhận tinh hoa vừa phù hợp bản sắc truyền thống của nền giáo dục Việt Nam.

 
TS Trần Đình Lý

Thực tế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã có những quy định gần gũi hơn với việc đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các ngành mới mở như: Quy định về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường trong những năm trước ở mức nào mới được mở ngành mới. Hoặc nhà trường phải bảo đảm đáp ứng cơ chế kiểm định chất lượng, trường phải được kiểm định và đạt kết quả kiểm định thì mới được mở các ngành của trình độ đại học, ngành đào tạo của trình độ đại học phải được kiểm định rồi mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng... Những quy định trên theo TS Trần Đình Lý chính là “hàng rào” đảm bảo cho chất lượng đào tạo.

TS Lê Trường Tùng thì cho rằng, cuộc cạnh tranh này sẽ buộc các trường ĐH công lập phải thay đổi, thay đổi một cách triệt để từ trong tư duy quản trị đến tư duy phục vụ sinh viên. Tự chủ cũng gián tiếp cắt hẳn “bầu sữa” ngân sách và buộc các trường công phải tăng học phí, không còn bám vào lý do tài chính để chấp nhận chất lượng thấp nữa. Điều này dẫn đến cơ hội cạnh tranh một cách sòng phẳng về chất lượng cho các trường tư.

“Khi trong toàn hệ thống có một cuộc cạnh tranh “thương hiệu” một cách sòng phẳng, lấy chất lượng đào tạo, học thuật và thành tựu NCKH làm thước đo, ắt hẳn người hưởng lợi sẽ là sinh viên, xa hơn là hệ thống GDĐH nước nhà” - TS Lê Trường Tùng phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.