Cảnh giác với các bệnh dễ mắc ở nam giới

Bệnh tật chẳng chừa ai, bất kể tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên có một số bệnh có tỷ lệ mắc giữa các giới khác biệt.

Cảnh giác với các bệnh dễ mắc ở nam giới

Bệnh tật chẳng chừa ai, bất kể tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên có một số bệnh có tỷ lệ mắc giữa các giới khác biệt. Dưới đây là những bệnh dễ gặp ở nam giới, mọi người cần biết để phòng ngừa.

Bệnh tim mạch và đột quỵ

Nhìn chung, nam giới có nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp nhiều hơn phụ nữ. Một phần sự khác biệt này là do nam giới hút thuốc lá nhiều hơn so với nữ giới.

Gần 40% trong số khoảng 500.000 trường hợp chết vì bệnh mạch vành hằng năm có nguyên nhân từ thuốc lá. Vì hút thuốc làm tăng nhịp tim, làm co thắt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả hơn.

Thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một đối với đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi. Nguy cơ đột tử cao hơn 10 lần ở nam và 5 lần ở nữ giới có hút thuốc. Hơn nữa, lối sống ít vận động thể chất và thừa cân cũng là nguyên nhân gia tăng bệnh lý tim mạch và đột quỵ ở nam giới.

Đái tháo đường

Lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn thương thận, tim, thậm chí là thần kinh. Béo phì và vòng eo lớn chính là “mảnh đất màu mỡ” giúp bệnh tiểu đường phát triển.

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị cho loại bệnh này, tuy nhiên trong nhiều trường hợp vẫn có khả năng chữa khỏi.

Để phòng bệnh, tốt nhất là nên giữ cho trọng lượng cơ thể luôn ở mức vừa phải, thường xuyên tập thể dục và hạn chế đến mức tối thiểu các sản phẩm giàu hàm lượng chất béo...

Canh giac voi cac benh de mac o nam gioi - Anh 1

Các bệnh lý tim mạch và đột quỵ có tỷ lệ nam giới mắc cao hơn nữ giới.

Xơ gan

Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh lý viêm gan mạn tính được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan. Khi mắc xơ gan các mô xơ lan tỏa ở các thùy gan.

Với đặc điểm mô xơ phát triển mạnh, đồng thời cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu của gan bị đảo lộn một cách không hồi phục được khiến cho người bệnh có thể tử vong khi có biến chứng xảy ra.

Xơ gan có liên quan mật thiết tới chứng nghiện rượu, mặc dù bệnh có thể xuất phát từ chứng viêm gan hoặc các yếu tố khác. Xơ gan có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh não do gan, ung thư gan...

Gout (gút)

Bệnh gút thường gặp ở nam giới (trên 95%) độ tuổi trung niên. Do ở độ tuổi này nam giới thường xuyên phải sử dụng bia rượu, tiếp khách nên chế độ ăn uống thất thường.

Việc thường xuyên ăn uống các món “sơn hào hải vị” giàu đạm, lượng protein, purin được đưa vào nhiều hơn so với mức cần thiết nên dẫn đến hiện tượng tăng acid uric trong máu đó là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh gút. Ngoài ra, chất cồn trong rượu bia cũng gây trở ngại cho việc đào thải acid uric, khiến bệnh càng nặng hơn.

Đau dạ dày

Đây là bệnh có thể gặp ở cả hai giới, nhưng tỷ lệ nam giới mắc đau dạ dày cao hơn nữ, do nguyên nhân gây đau dạ dày liên quan nhiều tới các yếu tố: stress, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen ăn uống thiếu khoa học...

Thói quen ăn uống (ăn quá nhanh, ăn no trước khi đi ngủ...) là nguyên nhân quan trọng dẫn tới đau dạ dày. Hơn nữa, khi chúng ta ở tình trạng luôn căng thẳng mệt mỏi, các acid HCL sẽ tăng cường tiết dịch trong dạ dày, điều này khiến cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương dễ dàng dẫn tới tình trạng đau dạ dày.

Thói quen sử dụng rượu bia nhiều cũng là nhân tố chính gây đau dạ dày. Chất cồn có trong bia rượu cực kỳ có hại cho dạ dày. Nó sẽ phá hoại lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Men rượu sau một quá trình sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, khi chất này có quá nhiều trong cơ thể nó sẽ không thể chuyển hóa hết thành acetate, từ đó gây tổn thương gan.

Theo chuỗi đó, khi gan bị tổn thương, tiêu hóa kém đi, dạ dày cũng vì thế mà kém đi từng ngày. Một tác nhân gây đau dạ dày nữa là hút thuốc lá.

Khi hút thuốc, các chất độc có trong đó, chủ yếu là nicotine sẽ thúc đẩy cơ thể bài tiết acid clohydric và pepsin - những chất trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày, ức chế sự tổng hợp prostaglandin, chất có vai trò bảo vệ và phục hồi niêm mạc, thu hẹp các mạch máu dạ dày, từ đó dẫn tới tổn thương lớp bảo vệ này. Nicotine cũng khiến cholat có trong mật bị chảy ra ngoài dẫn tới dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng.

Một số bệnh ung thư

Ung thư trực tràng: Ngày nay do sự thay đổi nhiều trong thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống của người dân mà tỷ lệ người mắc ung thư đại tràng ngày càng tăng.

Những đối tượng chủ yếu của căn bệnh này nằm trong nhóm từ 30-60 tuổi và chủ yếu là nam giới. Các nhà khoa học vẫn gọi loại bệnh này là “cái chết thầm lặng” bởi trước khi phát bệnh, nó hầu như không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phòng chống.

Ung thư ở mỗi vị trí trên khung đại tràng sẽ có những biểu hiện triệu chứng khác nhau: Trực tràng bị chảy máu mà không có lý do rõ ràng.

Sự thay đổi liên tục bất ngờ trong thói quen bài phân: táo bón, tiêu chảy hoặc táo bón, đại tiện ra phân có kèm theo chất nhầy. Đau quặn bụng và đại tiện có mót rặn thường xuyên mà không giải thích được nguyên nhân...

Ngày nay, ung thư trực tràng giai đoạn đầu hoàn toàn có thể chữa khỏi. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bệnh thì cần đi khám để được điều trị sớm.

Ung thư phổi: Khi có triệu chứng ho, ho ra đờm kèm theo máu, khó thở thì nên lập tức đi khám bác sĩ, gần 80% số người có triệu chứng như vậy được kết luận là ung thư phổi giai đoạn cuối.

Nam giới không hút thuốc có thể giảm đến 90% nguy cơ gây bệnh ung thư phổi cho bản thân và cho cả người thân “bị động” hút thuốc sống ngay cạnh họ.

Ung thư tuyến tiền liệt: Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến thói quen sinh hoạt. Các chuyên gia khuyến nghị nên ăn nhiều rau quả có màu đỏ như cà chua, nho đỏ, dưa hấu... vì trong những loại thực phẩm đó rất giàu lycopene có thể giảm thấp nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Đậu tương, đậu phụ, sữa đậu nành hay các sản phẩm chế biến từ đậu cũng có thể ức chế bài tiết nội tiết tố nam phát triển nuôi dưỡng khối u. Ngoài ra, uống nhiều chè xanh cũng giúp bảo vệ tuyến tiền liệt.

Theo SK&ĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ