Thế nhưng, nếu không tinh ý, các bạn có thể “sập bẫy” lừa, tốn tiền mà chỉ rước về nhà một món đồ hỏng hoặc bị “chặt chém” không thương tiếc, khi chuyển đến phòng trọ vừa được sang nhượng lại.
Tưởng tiết kiệm, hóa ra lại lãng phí
Mua một món đồ mới như: Tủ quần áo, máy giặt, tủ lạnh… thường khá tốn kém. Để tiết kiệm, nhiều bạn sinh viên thường lên các diễn đàn, group hoặc fanpage trên Facebook để “săn” các món đồ mà người khác thanh lý, khi họ chuyển chỗ trọ.
Một lần lang thang trên mạng, Thanh Hằng (Học viện Báo chí – Tuyên truyền) thấy một “status” thanh lý tủ lạnh, mới đăng được vài phút.
Qua hình ảnh được đăng tải thì chiếc tủ này nhãn hiệu Sanyo, dung tích 93 lít, được giới thiệu là mới dùng được hơn 2 năm, lúc mới mua giá gần 3 triệu đồng, giá thanh lý chỉ còn 500.000 đồng.
Thấy địa chỉ của người bán ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cách chỗ Hằng thuê trọ chỉ gần 2 km nên để tránh chậm chân như những lần trước, Hằng gọi điện thoại cho chủ topic và nhanh chóng đến xem đồ.
Hằng kể: “Nhìn bên ngoài, chiếc tủ lạnh vẫn óng ả, không bị trầy xước gì, bên trong được giữ gìn khá sạch sẽ. Bạn thanh lý tủ còn bảo, nếu mình mua thì sẽ khuyến mãi cho 4 chiếc khay nhựa làm đá. Thấy ngon lành nên mình trả tiền và phấn khởi chở tủ lạnh về”.
Sau khi về nhà, Hằng hý hửng cắm điện cho chiếc tủ lạnh rồi để mấy hộp sữa và ít hoa quả vào ngăn mát. Kỳ lạ là tối hôm đó, lúc mở tủ, Hằng sững người khi tủ lạnh hoàn toàn không có hơi lạnh.
“Mình thuê thợ về kiểm tra thì mới biết, chiếc tủ đã bị hỏng. Mình gọi điện cho bạn bán tủ để hỏi rõ mọi chuyện, ai ngờ, bạn đó bảo “tiền trao cháo múc” rồi nên không còn trách nhiệm gì nữa” - Hằng kể.
Hằng cho biết, trước đây, bạn cũng đã từng có kinh nghiệm mua đồ thanh lý nhưng đó chỉ là bàn học, kệ sách, quần áo, những thứ bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng kiểm định chất lượng. Còn lần này, do không am hiểu về đồ điện nên bạn đã phải vừa “trắng tay”, vừa rước bực vào người.
Dính bẫy chuyển nhượng nhà trọ
Ngoài việc thanh lý đồ đầy rẫy trên mạng, hiện nay, còn có một hình thức thanh lý phòng trọ để lấy tiền cọc được gọi với cái tên gần gũi hơn là chuyển nhượng phòng trọ.
Đã có khá nhiều sinh viên bị “dính” bẫy lừa từ chiêu chuyển nhượng phòng trọ kiểu này. Có thể thấy, đa số các nhà trọ đều yêu cầu người mới chuyển đến phải đóng tiền đặt cọc.
Số tiền đặt cọc nhiều hay ít phụ thuộc vào giá phòng, cũng như thỏa thuận giữa chủ nhà với người thuê. Nhiều chỗ trọ quy định rất rõ, người thuê nhà phải đóng tiền nhà liền 2 tháng, 3 tháng, thậm chí 6 tháng. Nếu người thuê chuyển trọ bất ngờ khi chưa hết thời hạn thuê phòng thì sẽ mất cả tiền đặt cọc lẫn số tiền thuê phòng còn dư.
Chính vì thế, nhiều bạn trẻ, khi trót làm hợp đồng thuê nhà dài hạn nhưng lại “vớ” phải chủ nhà khó tính, “chặt chém”, thường muốn chuyển nhượng lại nhà trọ, tức tìm người ở thay thế, trong khi hợp đồng thuê phòng còn thời hạn.
Nếu có người thuê lại căn phòng đó thì coi như người chuyển đi sẽ không bị mất tiền đặt cọc, nếu có giảm bớt tiền nhà cho người đến sau thì họ vẫn không bị thiệt hại quá nhiều.
N. L. (năm thứ ba, trường ĐH Thương mại) cùng 2 người bạn thuê một nhà trọ ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 1,8 triệu đồng/tháng, ở chung chủ. Cộng thêm cả chi phí điện, nước, Internet, mỗi thành viên trong phòng hết chừng 700.000 – 750.000 đồng/tháng.
Rồi một thành viên trong phòng chuyển đi, nên L. và người bạn còn lại muốn tìm một chỗ trọ khác có giá rẻ hơn. Khi thấy trên mạng có một bạn nữ rao rằng, muốn chuyển nhượng phòng trọ khép kín, nằm trên tầng 2, diện tích 16 m2, ở đường Hồ Tùng Mậu, giá chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, L. mừng húm.
Đến thăm phòng, tuy căn phòng hơi nhỏ song L. và bạn của L. khá ưng ý vì tường mới sơn sửa đẹp mắt, sạch sẽ, đã có sẵn một tủ vải để đựng quần áo.
Chủ nhà có mặt hôm đó thông báo giá điện, nước tính theo giá Nhà nước, cuối tháng, chủ nhà chia đầu người từng phòng để thanh toán. Giờ giấc đi lại thoải mái, mỗi phòng sẽ được giao một chìa khóa cổng riêng.
Thấy mọi chuyện khá ổn nên L. và bạn đồng ý sẽ chuyển đến căn phòng này và đưa lại cho người muốn chuyển nhượng 1 triệu đồng tiền đặt cọc (số tiền đặt cọc mà người đã từng đóng cho chủ nhà) kèm theo 2,1 triệu đồng/2 tháng tiền nhà (hợp đồng nhà 3 tháng, bạn kia mới ở được 1 tháng thì chuyển, có giảm bớt cho người đến sau 500.000 đồng).
Cuộc sống của L. và bạn cùng phòng ở nơi chốn mới khá suôn sẻ. Nhưng đến cuối tháng, L. giật mình khi được chủ nhà thông báo, tiền điện nước, phí vệ sinh của phòng lên tới gần 750.000 đồng. L. thắc mắc, vì nếu điện nước tính theo giá Nhà nước thì không thể đắt như vậy, chủ nhà chỉ giải thích quanh co.
L. yêu cầu xem hóa đơn thì liền bị chủ nhà quát nạt. Lân la hỏi thăm những phòng khác, L. phát hiện, khá nhiều phòng đang lục tục muốn chuyển đi vì không chịu nổi chiêu “chặt chém” của chủ nhà.
Không ít người trong số họ là sinh viên và cũng là nạn nhân của bẫy “chuyển nhượng phòng trọ”. L. bức xúc: “Bạn chuyển nhượng phòng trọ cho mình hẳn là nạn nhân khi bị chủ nhà “chặt chém”.
Vì không chịu đựng nổi những khoản phí vô lý, bạn ấy mới đành chuyển đi khi chưa hết hợp đồng. Cùng là cảnh sinh viên đi thuê trọ với nhau, không hiểu sao bạn ấy lại lừa để chúng mình rơi vào chính cái bẫy mà bạn ấy từng mắc phải”.