Chị Võ Thị Bảy bần thần trước căn nhà trống hoang, xiêu vẹo |
(GD&TĐ) - Cái câu “họa vô đơn chí” cứ bám theo mãi cuộc đời của không ít người, để rồi cả một đời lận đận, gian lao. Dù miệt mài cố gắng mãi nhưng rồi định phận nhiều khi quá khắt khe... Một trong những hoàn cảnh éo le ấy là gia đình chị Võ Thị Bảy (sinh năm 1965) ở tổ 15, thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Một chút gia sản đơn sơ cả đời tích góp, khi thiên tai ập đến, chút đơn sơ ấy cũng trôi theo bão lũ.
27 năm trong căn nhà tạm
Đã hơn nửa tháng từ khi cơn bão số 11 quét qua, ngôi nhà vốn đã ọp ẹp như nhà tạm của gia đình chị Võ Thị Bảy vẫn chỉ là mớ lộn xộn của tôn, tre và gỗ chồng lên nhau, xiêu vẹo trước gió. Chị Bảy tiếp chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe. Giọng kể của chị nhiều khi đứt quãng, nấc lên từng cơn. Chị vốn bị tiền sử bệnh tim nên khi xúc động rất dễ bị lên cơn co giật…
Trời lất phất mưa. Chúng tôi chủ động đưa chị Bảy vào nhà (nếu có thể gọi là “nhà”) nằm nghỉ. Không gian nhỏ dột nát trống trơn, không có cái bàn cái ghế nào, ngoài chiếc giường ướt nhẹp do mưa trút nước vào.
Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ đứng thì anh Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1963), chồng chị Bảy trở về. Anh cho biết vừa đi chặt tre ở xóm bên để về chống lại cho nhà khỏi đổ ụp. Anh phân trần đã định đi từ mấy hôm trước, nhưng cứ đau ốm liên miên. Hôm nay mới thấy khỏe hơn đôi chút nên cố gượng dậy. Nhìn lại căn nhà mà không khỏi ái ngại.
Mái tôn phía trước đổ ụp xuống sát đất, những cột kèo bằng tre đa phần đã gãy sau những trận gió bão. Cảm giác như chỉ cần một người dựa mạnh vào là căn nhà có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh căn nhà ọp ẹp. Chị Bảy cho biết đây là gia sản đầu tiên mà anh chị dựng lên từ năm 1987, khi vừa cưới nhau. Cũng là tạm bợ ban đầu với mong ước trời cho làm ra, có tiền xây sửa lại về sau.
Thế nhưng, 5 đứa con lần lượt ra đời, cả hai vợ chồng làm việc cật lực vẫn không đủ nuôi con cái, huống gì nghĩ đến việc xây nhà cửa mới.
Nhà làm nông, anh Nhân có thêm nghề sửa xe đạp. Nhưng ở một xã nghèo như Bình Quý thì thu nhập bằng nghề sửa xe đạp cũng hết sức eo hẹp.
Bên cạnh đó, anh Nhân thường xuyên đau ốm, không làm việc được. Nhất là mấy năm nay, bệnh anh trở nặng, một mình chị Bảy phải vừa vật lộn nuôi con bằng các việc đồng áng, lúc rảnh rỗi lại đi các vùng lên cận làm thuê kiếm thêm tiền trang trải. Sức khỏe cũng không khá hơn chồng bao nhiêu với bệnh tim hành hạ trong cơ thể. Giờ, cô con gái đầu lòng đã xây dựng gia đình.
Ba người con giữa vì nhà khó khăn, phải bỏ học giữa chừng để quay lại đang học nghề kiếm cách mưu sinh. Đứa nhỏ nhất đang học lớp 8, tại trường THCS địa phương. Gần như tiền ăn học cho 4 cậu con, tiền thuốc thang cho chồng trông chờ vào đôi tay yếu ớt của chị Bảy…
Những gì được gọi là tài sản còn lại của gia đình chị Bảy sau bão |
Xót lòng cảnh màn trời chiếu đất
Rạng sáng ngày 15/10/2013, cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền với cấp gió mạnh dữ dội. Nhiều ngôi nhà, cây cối, công trình đã không thể chống chọi lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Những ngôi nhà chắc chắn, được chằng chống chu đáo còn bị gió bật tung mái, bốc đi xa hàng trăm mét, huống gì là nhà của chị Bảy.
Bão tố đi qua, nỗi lo của gia đình chị thì càng tăng thêm. Giờ, ngôi nhà không khác nào một cái bẫy chờ sập xuống bất cứ lúc nào. Chút đồ đạc chưa di chuyển kịp chỏng chơ một góc. Cũng may là mấy năm trước, anh chị xin được gạch và xi măng của một người hảo tâm về xây dựng một căn bếp tạm phía sau. Xây vội vã với mái tôn lợp tạm, thế nhưng đó cũng là công trình kiên cố.
Bão qua, căn bếp ấy chỉ bị tốc mái. Nhưng không còn cách nào khác, anh chị phải lấy tôn từ căn nhà chính để lợp lại cho bếp để có chỗ chui ra chui vào. Thế là mọi sinh hoạt của gia đình gồm 3 người (hai vợ chồng và đứa con trai út) gần tháng nay gói lại trong khoảng hơn 10 mét vuông bếp.
Ngước nhìn chúng tôi rồi lại nhìn mái nhà trống toang, chực đổ sập theo những cơn gió mới, chị Bảy chia sẻ ao ước có được một ngôi nhà chắc chắn hơn để ở. Một ngôi nhà xây cấp 4, xây thô thôi chứ không cần tô vôi gì cả.
Để yên tâm mà đi làm, chữa bệnh cho chồng và lo lắng cho các con. Chứ trước cái cảnh bâng khuâng hốt hoảng từng đêm lo màn trời chiếu đất này chị thật sự vô cùng buồn. Nhưng ước mơ ước có nhà cấp 4 ấy dường như quá lớn. Bởi giờ, ngay cả mua tre, gỗ và tôn để sửa lại căn nhà tạm để sống qua ngày với gia đình chị cũng đã rất khó khăn.
Tiền nhà không có, mà cũng không thể trông chờ vào sự hảo tâm nào. Ngay trong đợt bão vừa qua, gia đình chị dù thiệt hại như vậy, cũng chỉ nhận được sự hỗ trợ duy nhất từ một tờ báo. Còn lại, chính quyền địa phương có lẽ do ngân sách hạn hẹp, vẫn chưa có sự hỗ trợ kịp thời.
Mang băn khoăn này trao đổi với chính quyền thôn, chúng tôi nhận thấy cũng có sự đồng cảm, sẻ chia với gia đình chị Bảy. Ông Nguyễn Văn Tùng, trưởng thôn Quý Xuân 1 cho biết hoàn cảnh của gia đình chị Bảy tại địa phương đã khó khăn từ lâu nay.
Chính quyền cũng đã biết nhưng phạm vi hỗ trợ thì rất khiêm tốn. Qua cơn bão số 11, nhà của gia đình anh Nhân chị Bảy đã gần như hư hại đến 90%. “Chính quyền thôn cũng đã lên danh sách, ưu tiên đưa nguyện vọng của gia đình chị Bảy lên các cấp để được sự hỗ trợ trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương là có hạn, chúng tôi bây giờ cũng chỉ có thể động viên gia đình chị về mặt tinh thần. Rất mong các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân có thể giúp sức cùng anh chị để gia đình có một căn nhà vững chắc hơn trong tương lai...”, ông Tùng phân trần.
Lúc chúng tôi chia tay gia đình chị Bảy, trời lại bắt đầu đổ mưa lớn. Trong mưa gió, ngôi nhà đã xiêu vẹo, lại càng xiêu vẹo hơn. Anh Nhân sau một hồi trò chuyện với khách cũng đã phải cáo từ để đi chặt tre tiếp. Đứa con trai út cũng đến giờ tới trường học. Tiễn chúng tôi trước căn nhà sắp sập, khuôn mặt khắc khổ của chị Bảy đẫm nước. Vừa nghe vừa đoán, mới biết chị nói thay cho lời chào: Mưa lớn quá, anh em đi may mắn nhé.
Chạy xe trong màn mưa, xuôi về quốc lộ 1A mà lòng chúng tôi cứ nặng trĩu. Mong sao, gia đình chị sớm thực hiện được ước mơ, có được một ngôi nhà vững vàng hơn…
Xuân Vân