Theo đó, trong 10 nước ASEAN, Singapore hiện đứng đầu về năng lực cạnh tranh, tiếp đó là Malaysia và Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines. Việt Nam đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng, chỉ đứng trên các nước Lào, Campuchia và Myanmar.
Kết quả khảo sát nói trên của Viện Năng lực cạnh tranh Á châu dựa trên những phân tích, đánh giá các chỉ số về kinh tế vĩ mô; chính phủ và thiết lập thể chế; thị trường tài chính, các điều kiện kinh doanh và nguồn nhân lực; chất lượng cuộc sống và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khảo sát này mới dựa trên các số liệu trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2013, giai đoạn nhiều nước trong khu vực rơi vào khủng hoảng kinh tế. Dẫu vậy, việc xếp hạng năng lực cạnh tranh vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các thông tin hữu ích về các chính phủ cũng như tình hình kinh doanh ở các nước ASEAN để từ đó thúc đẩy phát triển và đưa các nước tiến lên phía trước.
Điều đáng chú ý là bảng xếp hạng của Viện Năng lực cạnh tranh Á châu cũng có sự tương đồng đáng kể đối với Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2015 - 2016, do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào quý IV/2015 (bảng xếp hạng của năm 2016 - 2017 hiện chưa được công bố). Theo đó, dẫn đầu ASEAN vẫn là Singapore (đứng thứ 2 toàn cầu trên bảng xếp hạng), tiếp sau là Malaysia (thứ 18 toàn cầu) Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 37) Philippines (thứ 47) rồi đến Việt Nam ở vị trí thứ 6 ASEAN (đứng thứ 56 toàn cầu). Báo cáo này chỉ ra rằng Việt Nam có mức tăng mạnh nhất với 12 bậc cao hơn so với bảng xếp hạng toàn cầu trước đó của WEF, đồng thời ghi nhận nền kinh tế nước ta liên tục có sự cải thiện vị trí xếp hạng kể từ năm 2012 tới nay.
Nếu đứng riêng ra để chỉ nhìn vào các chỉ số, chúng ta có thể tự hào về những thành quả đạt được trong nỗ lực phát triển kinh tế đất nước thời gian qua. Thế nhưng, khi có sự so sánh thì câu chuyện khác hẳn. Mà ở đây, sự so sánh đó chỉ ở ngay trong khu vực ASEAN, vốn vẫn bị coi là vùng trũng kinh tế thế giới. Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của WEF, sở dĩ Việt Nam đứng thứ 6 ở khu vực là do Brunei không được xếp hạng do WEF không có đủ thông tin để đánh giá. Như vậy, chung quy lại, năng lực cạnh tranh của chúng ta thực tế vẫn chỉ đứng trên được Lào, Campuchia và Myanmar, vốn là 3 nền kinh tế khá yếu ớt hiện nay trên thế giới.
Trở lại với kết quả khảo sát của Viện Năng lực cạnh tranh Á châu, rõ ràng sau gần một năm, mặc dù chúng ta liên tục có những tổng kết đánh giá, trong đó chủ yếu nói về sự khởi sắc, điều đó có thể đúng, nhưng rõ ràng chỉ là khởi sắc với chính mình và chưa đủ để theo kịp với các quốc gia ngay trong khu vực. Nói cách khác, các chuyển động của nền kinh tế, dù có, nhưng chưa đủ để tạo thành bước tiến dài, bởi lẽ các quốc gia khác cũng có những chuyển động mạnh mẽ trong nội tại, và nguy cơ tụt lại phía sau rõ ràng vẫn hiện hữu đối với nền kinh tế đất nước. Chưa kể, từ bảng xếp hạng của Viện Năng lực cạnh tranh Á châu, đối chiếu sang bảng xếp hạng toàn cầu của WEF, có thể thấy ngoại trừ Singapore, vị trí của các quốc gia còn lại thuộc khối ASEAN cũng chỉ ở mức làng nhàng về năng lực cạnh tranh, phản ánh tiền lực và sự bền vững thấp của nền kinh tế.