Cảnh báo phản ứng có hại của 4 nhóm thuốc

Cảnh báo phản ứng có hại của 4 nhóm thuốc
Thuốc kháng sinh được kê theo đơn cho trẻ nhỏ.
Thuốc kháng sinh được kê theo đơn cho trẻ nhỏ.

Mới đây, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ARD) cảnh báo về phản ứng có hại của 4 nhóm thuốc, trong đó đứng đầu là thuốc kháng sinh.

Bộ Y tế khuyến cáo, bác sĩ cần chú trọng đến thông tin cảnh báo dược trước khi kê đơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những sai sót trong quá trình này.
Nguy hiểm và tốn kém
Một bác sĩ công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai trong lĩnh vực dược chia sẻ, đã từng có bệnh nhân điều trị loãng xương với quá nhiều loại thuốc, trong đó có Fosamax nhưng không được bác sĩ dặn dò kỹ. Đáng lẽ sau khi sử dụng thuốc Fosamax bệnh nhân phải ngồi hoặc đi lại 30 phút thì người này không biết đã đi nằm ngay. Do sử dụng quá nhiều loại thuốc trong đơn lại không được hướng dẫn đầy đủ, bệnh nhân này suýt bị thủng thực quản.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) hầu như lúc nào cũng có bệnh nhân dị ứng thuốc nằm điều trị. Bệnh nhân Lê Văn Q., nam, 76 tuổi (sống tại Hà Tĩnh) đang trong tình trạng dị ứng thuốc rất nặng. Trước khi điều trị tại đây, bệnh nhân được điều trị tại một đơn vị khác do tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị tai biến với 4 loại thuốc/ngày bằng đường uống và truyền tĩnh mạch thì bệnh nhân bị phản ứng rất nặng: sốt và toàn thân nổi những bọng nước lớn.
Những bọng nước này phồng rộp, có đường kính 2 - 3cm, thậm chí có những mảng lớn bằng bàn tay ở vùng lưng. Bệnh nhân còn bị loét ở miệng và bộ phận sinh dục, nguy cơ bội nhiễm cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), với bệnh dị ứng, các bác sĩ điều trị cũng nên lưu ý thêm về dị ứng thuốc để kịp thời hướng dẫn cho người bệnh. Chỉ kê đơn chỉ định khi đã có các chẩn đoán rõ ràng về nguyên nhân.
Đặc biệt nên tránh tình trạng áp dụng phác đồ “bao vây” bằng cách sử dụng nhiều thuốc. Chỉ nên kê các thuốc có tác dụng điều trị trực tiếp, giảm các thuốc tác dụng điều trị “hỗ trợ” công dụng chưa rõ ràng để giảm bớt số thuốc mà bệnh nhân phải sử dụng, bớt các nguy cơ dị ứng.
Theo Trung tâm DI & ARD Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2013, trong tổng số 3.522 báo cáo về các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại, có một báo cáo về mỹ phẩm, hai báo cáo về thuốc trừ sâu, còn lại là 3.519 báo cáo liên quan đến 4.401 loại thuốc.
Dược sĩ Phạm Thị Mai Trang (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết, phản ứng có hại của thuốc có thể làm những người bệnh tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí và ảnh hưởng chất lượng điều trị. Phần lớn các sự cố liên quan đến thuốc xảy ra khi bệnh nhân được điều trị hơn hai loại thuốc, nhất là những bệnh nhân phải điều trị bệnh lao.
Phải học kê đơn
Tại hội nghị tổng kết hoạt động cảnh báo dược 2013, TS Nguyễn Hoàng Anh, Trung tâm DI & ARD Quốc gia cho biết, việc theo dõi an toàn thuốc giai đoạn hậu marketing rất cần thiết nhằm đánh giá lại chỉ định mở rộng hoặc hạn chế chỉ định, phát hiện những tác dụng phụ hiếm gặp, độc tính của thuốc khi dùng dài hạn, đánh giá chi phí/lợi ích.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, Việt Nam bắt đầu có những hoạt động thiết lập hệ thống cảnh báo dược. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của nhân viên y tế khi gặp phản ứng có hại của thuốc.
Do đó, hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn trong sử dụng thuốc và khuyến khích cán bộ y tế báo cáo phản ứng có hại của thuốc như là nhiệm vụ chuyên môn trong thực hành lâm sàng và là một phần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, trong thời gian tới việc quy hoạch và hoàn thiện hệ thống cảnh giác dược trên phạm vi toàn quốc sẽ được triển khai với mục tiêu kịp thời phân tích phát hiện đánh giá những phản ứng có hại của thuốc, dự báo phòng tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, có 4 nhóm thuốc chính hay gây ra phản ứng có hại gồm: nhóm thuốc kháng sinh; thuốc điều trị lao; thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm; thuốc điều trị sốt rét. 6 nhóm thuốc kháng sinh nghi ngờ gây phản ứng có hại của thuốc nhiều nhất gồm: cefotaxim, ceftriaxon,ceftazidim, ciprofloxacin, cefuroxim, amoxicilin/clavulanic.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng – (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, lạm dụng kháng sinh khiến nhiều người phải nhập viện do bị dị ứng. Không ít cha mẹ tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống trước khi đi đến bệnh viện.
Nhiều trường hợp ho, sốt do virus cũng được cho dùng kháng sinh, trong khi thuốc này chỉ được dùng khi nhiễm vi khuẩn.Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn do thuốc như điều trị bệnh không hiệu quả do vi khuẩn đã nhờn thuốc. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Theo TP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ