Cảnh báo nguy cơ xâm nhập của bệnh sốt vàng

GD&TĐ - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh sốt vàng vào nước ta. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm nguy hiểm (nhóm A) do tỷ lệ tử vong lên tới 50%. 

Cảnh báo nguy cơ xâm nhập của bệnh sốt vàng

Sự quay trở lại của bệnh cũ không chỉ khiến người dân lo lắng trước sự biến chủng, di dân mà còn khẳng định con người đang hàng ngày hàng giờ phải đương đầu với tác nhân của biến đổi khí hậu.

Bệnh cũ trở lại

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ (khoảng 90% trường hợp mắc bệnh được báo cáo tại sa mạc Sahara).

Mỗi năm trên thế giới ước tính có từ 84.000 - 170.000 trường hợp mắc bệnh và 60.000 người tử vong do sốt vàng. Đáng chú ý, từ đầu năm 2016 tới nay, dịch bệnh sốt vàng gia tăng tại một số nước khu vực châu Phi như: Congo với 453 trường hợp mắc bệnh, 45 trường hợp tử vong, Uganda ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh, 7 trường hợp tử vong. Đặc biệt hiện dịch bệnh sốt vàng đang xảy ra tại nước Cộng hòa Angola với ít nhất 2.149 trường hợp mắc bệnh với 277 tử vong. Tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sốt vàng xâm nhập, tất cả đều là các lao động trở về từ Angola.

Như vậy, kể từ sau vụ dịch cuối cùng xảy ra vào những năm 60 của thế kỷ XX với số người mắc không quá vài trăm, bệnh sốt vàng đã thực sự quay trở lại với số người mắc gia tăng. Điều đáng ngại ở chỗ, sốt vàng không còn là bệnh đặc trưng của khu vực Trung Phi và Nam Mỹ mà đã mang tính toàn cầu, khi xuất hiện người bệnh ở khu vực châu Á.

Cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, sự quay trở lại của bệnh sốt vàng cho thấy, nhiều điều. Đó là việc di dân mang tính toàn cầu nên người ở nước này có thể là tác nhân truyền bệnh cho người nước khác hoặc khu vực khác. Bệnh cũ quay trở lại cũng đồng nghĩa với việc môi trường đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Biến đổi khí hậu không chỉ cướp đi kế sinh nhai mà còn mang lại bệnh tật cho con người. Ngoài ra, sốt vàng là bệnh có vắc xin phòng ngừa, phải chăng, bệnh tái xuất liên quan đến chất lượng vắc xin hay độ bao phủ của vắc xin này ở nước có dịch.

Cần biết cách tự bảo vệ mình

Sốt vàng là bệnh do muỗi truyền. Người ta chia tác nhân gây bệnh thành 2 loại (thành phố hay nông thôn và rừng rậm). Loại thành phố/nông thôn thì người là nguồn dự trữ virus và bệnh do Aedes aegypti truyền. Muỗi này có ở thành phố gần các khu rừng, nơi có lưu hành bệnh sốt và rừng rậm, lưu hành ở phần lớn châu Phi. Khu vực châu Mỹ được ghi nhận đã không còn bệnh sốt vàng thành phố.

Sốt vàng rừng rậm có nguồn dự trữ virus là các loài động vật, nhất là khỉ. Bệnh do muỗi Aedes và Hemagous truyền. Sốt vàng rừng rậm lưu hành ở phần lớn châu Phi và châu Mỹ, từ Mexico cho đến Argentina, ở những vùng có rừng (ví dụ lưu vực sông Amazon).

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, bệnh sốt vàng do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ. Đặc biệt khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Gan và thận, dạ dày là bộ phận dễ bị tấn công nhất. Sau khi mắc bệnh, tế bào gan bị hoại tử bắt đầu từ vùng trung tâm tiểu thùy, không có tổn thương viêm. Có các thể Councilman (tế bào hoại tử có hình cầu và phân giải chất nhiễm sắc của nhân). Những trường hợp nặng có teo gan vàng cấp. Ở thận, các thành phần của ống thận bị thái hóa trong nhưng cũng không có phản ứng viêm. Niêm mạc dạ dày ruột bị sưng huyết và có các ổ xuất huyết.

Do bệnh chưa có thuốc đặc trị nên để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch (châu Phi và Mỹ Latinh), Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống như chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch. Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt và diệt muỗi theo hướng dẫn của nước sở tại. Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Ở Việt Nam, hiện không lưu hành bệnh sốt vàng nhưng cũng đứng trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh bởi nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với Angola và nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng từ các nước đang có dịch trở vào nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ