Cảnh báo hiện tượng giả mạo số điện thoại để lừa đảo

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa có công văn nhờ các nhà mạng nhắn tin cảnh báo hiện tượng giả mạo số điện thoại của cơ quan công an yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tac điều tra sau đó chiếm đoạt .

Cảnh báo hiện tượng giả mạo số điện thoại để lừa đảo

Ngày 25/4/2015, nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn của nhà mạng với nội dung:

“Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông báo về hiện tượng gần đây một số đối tượng xấu giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra sau đó chiếm đoạt. Đề nghị mọi người dân khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để giải quyết”.

Đại diện MobiFone đã lên tiếng xác nhận rằng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có công văn nhờ nhà mạng nhắn tin cảnh báo  cho người dân về hiện tượng này.

Hiện tượng này được bùng lên từ năm 2014 và đã có nhiều trường hợp bị lừa với những thủ đoạn này.

Trung tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, thời gian gần đây tại Hà Nội và một số tỉnh, thành xuất hiện những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia gọi điện thoại lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân.

Chỉ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2014, PC50 đã xác định được 16 người bị các đối tượng gọi điện lừa đảo ở nhiều tỉnh thành khác nhau, trong đó có 9 người đã bị lừa chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng (trong đó có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP.HCM). Trong số những người bị lừa gạt kiểu này đáng chú ý nhất là một vụ 1 người dân ở Hà Nội bị lừa chiếm đoạt 720 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào ngày 21/6/2014, bà Nguyễn Thị Nghiêm (sinh năm 1955, trú tại Đống Đa – Hà Nội) đã đến công an trình báo bà bị một đối tượng gọi điện thoại lừa đảo số tiền 230 triệu đồng một cách ngoạn mục.

Cụ thể, vào lúc 15h ngày 20/6/2014, bà Nghiêm nhận được một cuộc điện thoại tới máy cố định nhà bà, một nam giới tự xưng là nhân viên Bưu điện VNPT TPHCM thông báo bà Nghiêm đang nợ cước điện thoại số tiền là 8.930.000 đồng và hướng dẫn bà bấm phím "0" để nói chuyện với công an để làm rõ sự việc, bà làm theo và được thông báo bị đứng tên đăng ký số điện thoại cố định 0833456255 vào ngày 18/2/2014.

Sau đó đối tượng này gọi vào số điện thoại di động của bà Nghiêm từ số (+83)9231168 và bảo bà gọi tới tổng đài 1080 để kiểm tra, bà làm theo và được biết đây là số điện thoại của một cơ quan công an, bà Nghiêm đã tin là mình đang làm việc với công an.

Sau đó đối tượng này tiếp tục lừa đảo bà Nghiêm bằng cách thông báo cho bà biết số CMND của bà hiện đang nằm trong một đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Văn Hùng cầm đầu, tên Hùng này đang quản lý 18 tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, bà Nghiêm đứng tên một tài khoản trị giá 4 tỷ đồng ở Ngân hàng Sacombank, để phục vụ công tác điều tra các tài khoản này cần được phong tỏa.

Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu bà Nghiêm cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền tiết kiệm ngân hàng. Khi biết bà Nghiêm có tiền đối tượng yêu cầu và Nghiêm chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào 1 tài khoản ở Ngân hàng BIDV chủ tài khoản là Nguyễn Hùng Sơn để phục vụ công tác điều tra, sau khi điều tra xong sẽ trả lại. Bà Nghiêm đã tin tưởng làm theo và chuyển 230 triệu đồng vào tài khoản lừa của Nguyễn Hùng Sơn.

Sau khi chuyển tiền xong bà gọi điện vào số điện thoại 0839231168 thì được thông báo đây là số điện thoại của Công an TPHCM và họ không giải quyết vụ việc nào như trên. Vì cả tin bà Nghiêm đã bị lừa 230 triệu chỉ sau vài chục phút nhận được một cú điện thoại "trên trời rơi xuống".

Qua xác minh, PC50 xác định được Nguyễn Hùng Sơn (hộ khẩu tại Thái Nguyên) được một số đối tượng thuê mở tài khoản nói trên và ông này chỉ là người lái xe ôm, không biết gì về hành vi nói trên của bọn lừa đảo.

Công an cũng đã xác định được có 4 đối tượng người Đài Loan đã trực tiếp rút tiền từ tài khoản nói trên, nhưng bọn chúng nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam cho nên Công an vẫn chưa bắt được các đối tượng này.

Trung tá Hà Thị Hằng cho biết, với cùng một thủ đoạn như trên bọn lừa đảo đã gọi điện lừa đảo ở nhiều tỉnh, thành. Có nhiều người cảnh giác không bị sập bẫy, nhưng có một số người cả tin đã mắc lừa bọn chúng với số tiền từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng như trường hợp bà Nghiêm nói trên.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ