Cảnh báo hiểm họa từ “thử thách cá voi xanh”

GD&TĐ - Gõ cụm từ “Game cá voi xanh” vào ô tìm kiếm của công cụ Google chỉ trong vòng 2 giây sẽ cho ra khoảng 615.000 kết quả. Trò chơi này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Song đấy lại là trò chơi cực kỳ nguy hiểm. Trên thế giới khá nhiều người đã thiệt mạng khi tham gia trò chơi này.

Nhiều thanh thiếu niên trên thế giới đã tự tử vì trò chơi “Thử thách cá voi xanh”
Nhiều thanh thiếu niên trên thế giới đã tự tử vì trò chơi “Thử thách cá voi xanh”

Hiểm họa từ trò chơi trực tuyến

Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh) là một trò chơi trực tuyến trên mạng xã hội xuất hiện cách đây vài năm tại Nga và một số nước châu Âu trên thế giới. Trò chơi này xuất hiện với một tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Trong quá trình chơi, người quản trò bằng cách thuyết phục của mình sẽ mời gọi người chơi tham gia.

Ban đầu khi mới tham gia, họ sẽ nhận những nhiệm vụ không quá khó, nhưng sau đó mức độ khó và sự bí hiểm cũng tăng dần. Trò chơi được thực hiện vào khung giờ từ 4 giờ 20 phút sáng mỗi ngày. Cho đến ngày thứ 50 người chơi sẽ nhận nhiệm vụ tự kết liễu bản thân và họ được coi là “người chiến thắng”. Dường như điều này giống như hình ảnh những chú cá voi xanh vượt đại dương lao lên bờ với kết cục đau thương.

Điều đáng lo ngại đó là mặc dù trò chơi rất nguy hiểm, nhưng khi đã tham gia chơi không mấy người thoát ra được game này. Bởi vì những kẻ tạo ra trò chơi khống chế, đe dọa họ bằng những thông tin cá nhân mà họ phải cung cấp. Không những thế ngay cả những người thân trong gia đình cũng bị liên lụy. Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh rất lo lắng bởi trò chơi này có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ em Việt Nam.

Một tài khoản mang tên “Hoa cỏ may” chia sẻ: Khi biết được mối nguy cơ từ trò chơi này, tôi đã lên mạng tìm hiểu và rất lo ngại vì đã có những trẻ em muốn tìm hiểu về cách chơi và mong muốn được thử. Tôi đem những thắc mắc về trò chơi thử hỏi con trai và những đứa bạn của nó thì ngay lập tức được chúng chỉ dẫn rất rõ ràng về luật chơi.

Như: người chơi “Cá voi xanh” sẽ phải thực hiện một chuỗi yêu cầu trong vòng 50 ngày. Lúc đầu chỉ là nghe một loại nhạc, xem một bộ phim hay đi dạo ở những nơi như nghĩa địa hoặc một nơi nào do người quản lý trò chơi yêu cầu. Tiếp sau đến những mức ghê rợn hơn là người chơi sẽ dùng dao lam hoặc một vật sắc nhọn tự chạm khắc hình một con cá voi lên cơ thể mình. Cuối cùng, họ tự huyễn hoặc sẽ trở người chiến thắng bằng cách tự chọn lấy cái chết cho mình.

Không được thử với những trò chơi nguy hiểm

Những tác động của mạng xã hội cộng với tâm lý thích sống ảo, thiếu sự quan tâm của gia đình chính là những nguyên nhân khiến giới trẻ sa vào các trò chơi trực tuyến và game “Thử thách cá voi xanh” sẽ không là ngoại lệ. Hơn nữa tâm lý của trẻ em đang ở giai đoạn dậy thì thường có những bất ổn, thích tò mò khám phá sẽ là những đối tượng để những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.

Trên mạng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những clip có hình ảnh trẻ em chia sẻ những thông tin về trò chơi này. Thậm chí, có những đứa trẻ đã tò mò thử đăng nhập vào đường link của trò chơi và chia sẻ trên mạng xã hội. Điều này sẽ mang lại những hiểm họa khôn lường nếu các em tự đùa với chính sinh mạng của bản thân, mặc dù đã có những cảnh báo về hậu quả của những người tham gia chơi.

PGS. TS Nguyễn Đức Sơn, trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Khi một người quá ham mê các trò chơi trực tuyến trên mạng tức là họ đã nghiện game. Đây là một sự lệ thuộc mà con người không thể vượt qua được và bị điều đó chi phối. Nghiện game là sự chi phối về tinh thần. Lý do lệ thuộc là do người chơi bị tương tác nhiều lần.

Nếu một đứa trẻ đã chơi và tần suất ngày càng tăng lên, thì nguy cơ trẻ nghiện các trò chơi trên mạng xã hội càng lớn. Hiện nay, cơ hội để trẻ tham gia tương tác với mạng internet rất nhiều và phong phú. Chỉ cần một máy tính, hay đơn giản là một chiếc điện thoại thông minh được kết nối wifi là trẻ có thể tải về vô khối trò chơi mới lạ. Những trò chơi này khiến trẻ mê đắm và khó dứt bỏ nếu không có những tác động khác thú vị hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cũng đã chỉ ra rằng: Những hành vi tự hủy hoại bản thân như tự rạch dao, tự đâm vào tay chân mình như trong game “Thử thách cá voi xanh” gây ra những hậu quả tiêu cực đối với người chơi. Trò chơi được diễn ra trong nhiều ngày, mỗi ngày người chơi sẽ thực hiện một hành động nào đó. Quá trình này sẽ tác động đến hành vi của cá nhân như một kiểu ám thị. Đầu tiên họ bị dẫn dắt, nghe theo và dần dần bị lệ thuộc vào trò chơi bị cuốn theo sự dẫn dắt khó thoát ra được.

Cho đến cuối cùng thì cá nhân đó tự hủy hoại bản thân (tự tử theo cách hướng dẫn trong trò chơi). Trò chơi khiến họ không kiểm soát được hành vi và bị người khác kiểm soát về ý thức. Đây là điều hết sức nguy hiểm, nếu tham gia vào trò chơi đó không phải người chơi chỉ tự cắt chân, cắt tay mà họ có thể bị điều khiển làm bất kỳ điều gì.

Cho nên, cách tốt nhất là không được thử, vì ta sẽ không biết khi tham gia trò chơi đến chừng mực nào ta có thể tự dừng lại được. Để trẻ tránh xa những trò chơi độc hại đó, gia đình, nhà trường phải có sự quản lý chặt chẽ. Quan trọng là cần giúp cho những đứa trẻ có nhiều hoạt động để trẻ được tham gia, tránh việc các em chỉ gắn mình với máy tính và những trò chơi trên mạng xã hội.

“Khi đã nghiện game, trẻ không chỉ bỏ bê học hành mà thậm chí những trò chơi này sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu của bản thân chúng. Nếu trẻ không được chơi, trẻ sẽ cảm thấy bất ổn và không thể làm được bất cứ điều gì. Khi cá nhân chỉ tập trung vào mỗi việc chơi game thì đứa trẻ đó sẽ không bình thường về mặt tâm thần. Bình thường thì người ta phải giao tiếp hồi đáp với những hoạt động diễn ra trong cuộc sống. Còn những đứa trẻ nghiện game thì dường như tất cả các yếu tố xung quanh không tồn tại nữa, mà đối vớí chúng chỉ có mỗi thế giới ảo trong các trò chơi là mối quan tâm duy nhất”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ