(GD&TĐ) - Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực. Theo đó, lời cảnh báo trên bao bì các bao thuốc sẽ chiếm 50% diện tích bề mặt, bao gồm cả chữ viết và hình ảnh. Đây là sự thay đổi đáng kể nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta vốn được đánh giá là cao nhất thế giới hiện nay.
Bệnh không lây nhiễm cần khống chế
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng tránh được. 1/3 số người hút thuốc lá trên thế giới là ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi theo ước tính cứ mỗi phút lại có hai người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đây chính là lý do WHO coi hút thuốc lá và các bệnh liên quan đến thuốc lá được WHO xếp vào hàng các bệnh không lây nhiễm cần được khống chế từ nay đến năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến khích các nước tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá (in hình ảnh cảnh báo trên bao bì, tăng thuế, không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi…).
Theo TS Shin Young-soo, GĐ WHO khu vực châu Á - Tây Thái Bình Dương, Ủy ban khu vực đã có kế hoạch hành động cho Sáng kiến không thuốc lá trong khu vực. Tuy nhiên, do thuốc lá rẻ và dễ mua, nên vẫn có xu hướng tỷ lệ người hút thuốc lá tăng, nhất là ở tám quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Kết quả điều tra năm 2010 của Bộ Y tế - Tổng cục Thống kê Việt Nam và Trường ĐH Y Hà Nội, ở nước ta có 47,4% nam, 1,4% nữ và 23,8% người trưởng thành đang hút thuốc lá, trong đó có 81,8% người hút thuốc hằng ngày và 26,9% người hút thuốc lào. Tuổi bắt đầu hút thuốc trung bình là 19,8 ở nam; 23,6 ở nữ và 19,9 ở người trưởng thành nói chung.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở nước ta cũng rất cao với 67,6% người bị phơi nhiễm bởi khói thuốc lá tại nhà và 49,0% người bị phơi nhiễm tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cao nhất là ở các quán rượu, cà phê (92,6%), tiếp đó là các nhà hàng (84,9%), trường đại học (54,3%)... Thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm cho con người, nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2020, cả nước sẽ có 10% dân số tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Một số hình ảnh được khuyến khích dùng để cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá |
Cần giải pháp đồng bộ
Kế hoạch Hành động khu vực đặt mục tiêu giảm 10% tỷ lệ người hút thuốc ở người trưởng thành và thanh thiếu niên ở các quốc gia thành viên trước năm 2015. Mặc dù đã có nhiều tiến triển tốt ở nhiều nước, song theo TS Shin, cần có những nỗ lực lớn hơn để giảm nhu cầu về thuốc lá, như tăng giá, tăng thuế và sử dụng các hình ảnh cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Kế hoạch hành động cũng giúp hướng dẫn hoàn thành việc triển khai thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO được xây dựng để ứng phó với sự lan tràn của nạn dịch hút thuốc trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, lời cảnh báo trên bao bì thuốc lá được đánh giá là “quá nhẹ nhàng” bởi lời khuyến cáo “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” rất chung chung, chữ nhỏ nên không mấy người để ý. Do vậy, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, bao gồm nhiều quy định chặt chẽ hơn. Theo quy định, từ ngày 1/5/2013 nội dung ghi nhãn và cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải được đáp ứng các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và sau 6 tháng (1/11/2013) các loại nhãn cũ sẽ không được sử dụng. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), từ 1/5, lời cảnh báo trên bao thuốc sẽ gồm cả hình ảnh và chữ. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần. Cảnh báo sức khỏe này phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
Bên cạnh việc đăng hình ảnh về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng quy định các khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 01 tháng 5 năm 2013; 1,5% từ ngày 01 tháng 5 năm 2016; 2,0% từ ngày 01 tháng 5 năm 2019. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ để chi phí cho các hoạt động phòng chống tác hại do thuốc lá gây ra. Còn theo khuyến cáo của TS Shin, các quốc gia cần tính đến biện pháp về giá và thuế để làm giảm nhu cầu thuốc lá; Chính sách cấm hoàn toàn việc hút thuốc trong nhà; Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, được đưa vào qui định bao thuốc lá trơn không in thương hiệu… để giảm dần số người hút thuốc và bị ảnh hưởng bởi khói thuốc.
H. Thu