Căng thẳng ở Ukraina có thể dẫn đến nội chiến

Căng thẳng ở Ukraina có thể dẫn đến nội chiến
Người biểu tình ném đá vào cảnh sát tại tòa nhà Thị chính Kiev (Ảnh: Newsru.com)
Người biểu tình ném đá vào cảnh sát tại tòa nhà Thị chính Kiev (Ảnh: Newsru.com)

(GD&TĐ) - Cuộc biểu tình của phe đối lập ở Ukraina nhằm chống lại động thái ngừng ký Hiệp định liên kết với EU của chính phủ đã diễn ra cả 10 ngày qua. Ngày chủ nhật (1/12) căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm, khi người biểu tình chiếm một tòa nhà Thị chính và bao vây Phủ Tổng thống trên đường phố Bankova ở Kiev. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán biểu tình. Ngày 2/12, Ukraina ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Sục sôi “Evromaydana”

Hàng loạt các cuộc biểu tình ủng hộ hội nhập với châu Âu tại thủ đô Kiev và các thành phố lớn ở Ukraina đã được bắt đầu từ ngày 21/11, sau khi chính phủ tuyên bố ngừng ký kết Hiệp định liên kết với EU. Theo Ria-Novosti, vào đêm 29, rạng sáng 30/11, cảnh sát đặc nhiệm “Berkut” đã giải tán đám đông tại thủ đô Kiev, bắt giữ 35 người biểu tình.

Thật đáng tiếc rằng cảnh sát đã phải sử dụng đến hơi cay và lựu đạn gây choáng bởi người biểu tình tấn công họ bằng bất cứ thứ gì có thể.

Theo thông báo từ Sở Y tế Kiev, đến chiều ngày 1/12, có tới 165 người bị thương, 109 người trong số đó đang nằm trong bệnh viện.

Tối thứ bảy (30/11), Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich đã phát biểu trên truyền hình lên án những việc xảy ra ở quảng trường Độc lập. “Tôi lên án những hành động đối đầu và gây đau khổ cho người dân” - Yanukovich nói.

Tuy nhiên, đến ngày chủ nhật (1/12), biểu tình đã lan rộng và căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm. Theo truyền thông Ukraina, vào 16h54 ngày 1/12, có khoảng 700 ngàn người tụ tập tại trung tâm thủ đô Kiev và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố EU sẵn sàng giúp đỡ Ukraina.

Trên Twitter thông báo: Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cũng tham dự biểu tình ở Kiev.

Theo Ria - Novosti, chiều 1/12, người biểu tình đã chiếm được 2 tầng của tòa nhà Thị chính Kiev nhằm xây dựng “đại bản doanh” của cuộc biểu tình. Cũng vào thời điểm này, tòa nhà Công đoàn Ukraina cũng bị người biểu tình chiếm đóng.

Tại dinh thự của Tổng thống Viktor Yanukovich, cảnh sát đã dàn thành hàng rào để bảo vệ. Người biểu tình ném đá, sắt vào cảnh sát rồi ào lên định phá hàng rào bảo vệ.

Theo quan sát thì lựu đạn gây choáng từ phía cảnh sát đặc nhiệm đã bay về phía đoàn biểu tình, đạn nổ, khói bốc lên nghi ngút. Sau đó, cảnh sát đã kịp giải tán đoàn biểu tình, có 5 cảnh sát bị thương.

Theo truyền thông Ukraina, thủ lĩnh đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Ukraina Batykivtshina” (Tổ quốc) Arseniy Yatsenyuk tuyên bố, những người biểu tình sẽ không đi khỏi Maidan nếu chính phủ của Thủ tướng Mykola Azarov không chịu từ chức.

Cuộc trấn áp của cảnh sát đối với đoàn biểu tình đã khiến dư luận phẫn nộ. Theo Interfax - Ukraina, nhiều quan chức tuyên bố từ chức, trong số đó có Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Levochkin.

Theo báo “Độc lập”, Arseniy Yatsenyuk cho biết: “Ba đảng đối lập thống nhất đi đến quyết định thành lập Bộ tham mưu chống đối toàn quốc. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đình công trên cả nước Ukraina”.

Ukraina đi về đâu?

Tuyên bố ngừng ký Hiệp ước liên kết với EU nhưng Tổng thống Ukraina không có ý định ký thỏa thuận với Liên minh hải quan Nga -Belarus - Kazakhstan. Tuy nhiên, ông vẫn đến dự Hội nghị “Đối tác phía Đông” của EU tại Vilnus.

Tại đây, Yanukovich than phiền rằng đã 3 năm qua, chính phủ của ông chịu rất nhiều áp lực từ Nga. Yanukovich khẳng định, một mình Ukraina không thể chịu được áp lực ghê gớm ấy.

Nói như vậy, Tổng thống Ukraina đã gửi một thông điệp đến EU rằng họ phải có chính sách rõ ràng, cụ thể hơn trong chuyện liên kết với Ukraina.

Cũng tại Hội nghị “Đối tác phía Đông” ở Vilnus, EU khẳng định họ “chưa thua hẳn” trong chiến lược mở rộng sang phía Đông. Nói như vậy có nghĩa rằng Ukraina vẫn còn cơ hội ở phía trước. 

Ở trong nước, phe đối lập tổ chức biểu tình rầm rộ nhằm phản đối quyết định ngừng liên kết với EU của chính phủ.

Cuộc biểu tình lần này được tổ chức bài bản, có quy mô lớn trên toàn quốc và tất nhiên, nòng cốt của nó là khu vực Tây Ukraina. Báo The Guardian cho rằng, các cuộc biểu tình hiện nay ở Ukraina được coi là lớn nhất kể từ khi “Cách mạng Cam”.

Báo Financial Times viết: “Khi Viktor Yanukovich vào phút cuối từ chối ký thỏa thuận với EU, hành động của ông được coi là thất bại của EU và là thắng lợi của Nga. Nhưng bây giờ đã rõ ràng rằng tình hình không đơn giản như vậy”.

Theo các nhà phân tích, biểu tình chống đối ở Ukraina đang được các nước phương Tây ủng hộ. Mục đích của họ không gì khác là nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich.

Ukraina đang sống trong những ngày sôi sục. Không ít người biểu tình gọi đây là “cuộc cách mạng” và các nhà phân tích cho rằng, rất có thể nội chiến sẽ diễn ra. Vấn đề còn lại phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền Viktor Yanukovich.

Anh Phương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ