(GD&TĐ) - Có lẽ đó luôn là ước mơ và niềm tự hào ban đầu của mỗi học sinh. Tuy nhiên, làm con cô giáo chẳng sung sướng như nhiều người vẫn nghĩ. Vì mẹ ở trường sẽ chẳng thể “hiền” như mẹ lúc ở nhà đâu.
Các nhà giáo nữ đang hy sinh thầm lặng để xây dựng thế hệ tương lai |
Thông thường, bạn nào có cả bố và mẹ đều làm nhà giáo, nhất là ở bậc học phổ thông, nếu bố mẹ không cùng dạy một trường thì ắt hẳn, bạn sẽ được khuyến khích theo học trường của mẹ. Vì lý do rất dễ hiểu là mẹ luôn là người theo sát … sàn sạt nhất cử nhất động của bạn và chu trình sẽ khép kín cả ở trường lẫn ở nhà, cho thỏa mơ ước “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo…”.
Nhiều người vẫn nghĩ, khi có mẹ là cô giáo, chuyện học hành sẽ dễ dàng, thoải mái hơn, được ưu tiên hơn các bạn khác,… nhưng thực tế thì lại không hẳn thế, thạm chí hoàn toàn ngược lại.
Chia sẻ về chuyện này, cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết, nhiều cô giáo ban đầu cũng ngại ngần khi nhận lớp có con mình theo học vì e rằng con “không sợ”, nhưng trên thực tế mọi chuyện lại diễn ra rất suôn sẻ. Khi vào lớp, các con vẫn gọi cô là cô giáo như các bạn, nghĩa là có sự tách bạch và “phân vai” rõ ràng. Chính vì thế, các con có ý thức về nhiệm vụ và vị trí của mình khi ở trên lớp học.
Mọi quy định của lớp được áp dụng công bằng cho tất cả học sinh, thậm chí, con cô giáo sẽ bị xử lý và nhắc nhở nghiêm khắc hơn khi mắc lỗi để nêu gương cho các bạn khác.
Cả mẹ và con đều ngầm có quyết tâm và ý thức phải rèn luyện, tu dưỡng tốt nhất để “các bạn nhìn vào”. Độ nghiêm khắc của mẹ - cô giáo sẽ quyết định việc điều chỉnh hành vi và thái độ của học trò – con.
Cô Tố Vân, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) tâm sự, mình hiện đang dạy lớp của con gái. Lúc đầu khi biết mẹ tham gia dạy bộ môn ở lớp mình, con rất háo hức và đặt ra nhiều tình huống giả định rất “lãng mạn”. Nắm bắt được tâm lý của con nên mình phải làm công tác tư tưởng ngay để con ý thức được nhiệm vụ quan trọng của mình khi vào vai học sinh của mẹ.
Điều đầu tiên, các cô giáo thường yêu cầu con của mình là phải chấp hành tốt mọi quy định của trường, của lớp, đồng thời ra “thông cáo”, nếu con vi phạm sẽ bị xử phạt nặng hơn các bạn. Thời gian đầu, con cũng hay hỏi mẹ về đề kiểm tra, hay một số việc “cơ mật” của lớp hoặc chuyện liên quan đến vài cô bạn thân nào đó trong lớp… nhưng chính thái độ nghiêm túc và sự minh bạch của mẹ ngay cả ở ngoài lớp học đã đưa con dần về đúng vị trí của một học trò.
Bên cạnh đó, đánh đòn tâm lý vào tính sĩ diện của con cũng phát huy tác dụng tốt, yêu cầu con cố gắng hết sức trong học tập và rèn luyện để mẹ được luôn tự tin trước các học trò và tự hào với các đồng nghiệp trong trường vì có một đứa con ngoan.
Tất cả những nỗ lực đó của cả mẹ và con khi cùng học tập và giảng dạy tại một mái trường đã viết nên bao câu chuyện vui, đáng nhớ giữa “học trò – con” và “cô giáo – mẹ”, góp phần tạo nên thương hiệu “con cô giáo thường ngoan và học giỏi”.
Bảo Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|