Cần xử lý người có hành vi vây đánh đối tượng trộm chó

GD&TĐ - Ngày 28-7, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đang phối hợp Công an xã Phước Tân điều tra vụ 2 thanh niên trộm chó bị người dân vây đánh nhập viện, đốt xe máy. Khi 2 thanh niên sử dụng súng điện tự chế để bắn chó thì người dân lao ra vây đánh. 

 Hai đối tượng cùng 7 con chó bị chích điện tại hiện trường (ảnh theo VTC.news)
Hai đối tượng cùng 7 con chó bị chích điện tại hiện trường (ảnh theo VTC.news)

Tại hiện trường 2 thanh niên bị thương nặng nằm gục dưới đường, một súng phóng điện, một xe máy bị cháy đen cùng khoảng 6 xác chó nằm bên cạnh.

Vụ việc thu hút hàng chục người dân và người đi đường theo dõi. Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc này nhưng đa số điều cho rằng việc hành xử của người dân đối với đối tượng trộm chó như vậy là đáng đời, để răn đe những người có ý định phạm tội.

Việc người dân tự xử lý đối với đối tượng trộm chó xảy ra rất nhiều tại địa phương trong thời gian qua, đối tượng trộm chó bị người dân tự xử lý, nặng thì chết, nhẹ thì cũng bị bầm dập, gây thương tích nặng. Tôi cho rằng, đây là thực trạng đáng báo động về ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Những vụ việc trộm chó xảy ra, phát hiện đối tượng thì người dân hò hét, tổ chức vây, đánh đối tượng trộm chó bán chết, bán sống, rất nhiều trường hợp đánh chết người, đốt xe đang có chiều hướng gia tăng; xử lý người dân khi có hành vi tự xử lý với đối tượng trộm chó chưa nghiêm khắc; việc điều tra, truy tố người chủ mưu đánh chết đối tượng trộm chó chưa được thực hiện một cách triệt để.

Đối tượng trộm chó bị người dân tự xử lý như đánh đập, gây thương tích hoặc dẫn đến chết người là hành vi đáng lên án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận rõ trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, khoản 1 Điều 20 của Hiếp pháp quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”;

Khoản 1 Điều 31 của Hiến pháp quy định1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Do đó, đối tượng trộm chó phải được xử lý theo luật định, khi người dân phát hiện tội phạm cần phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý, ngăn chặn tội phạm, không nên có hành vi như đánh đập, gây thương tích dẫn đến chết người là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Việc người dân bức xúc đánh hội đồng khiến đối tượng trộm chó tử vong có thể bị xử lý hình sự theo tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Bộ luật hình sự):“Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hoặc bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự:“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tỷ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Mặt khác, người dân có hành vi đốt, huỷ hoại xe máy của đối tượng trộm chó là có dấu hiệu của tội phạm: “Cố ý làm hư hỏng hoặc huỷ hoại tài sản” (khi giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên) quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự; có hành vi đánh trọng thương người phạm tội trộm cắp, là có dấu hiệu của tội phạm “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự (nếu dùng hung khí nguy hiểm hoặc nhiều người đánh trộm) thì dù thương tích giám định dưới 11% vẫn phạm tội cố ý gây thương tích và cố tình đánh chết người phạm tội trộm thì sẽ phạm vào Điều 93 Bộ luật hình sự quy định tội danh “giết người”.

Ngoài ra, những người này còn có thể còn bị truy cứu về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.

Chính vì vậy, việc ngăn chặn người dân tự ý đánh đập, gây thương tích cho các đối tượng trộm chó là hết sức cấp thiết; chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân tự ý xử lý đối tượng trộm chó như thời gian qua.

Đồng thời, khi xảy ra trường hợp người dân tự xử lý người trộm chó, gây thương tích hoặc dẫn đến chết người cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần đề ra giải pháp để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi trộm chó đã và đang xảy ra phổ biến, gây bức xức trong quần chúng nhân dân hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ