Cùng với thể lệ trò chơi trong Ngày hội Văn hoá Dân gian là đơn giá của mỗi lượt chơi |
Ngày hội Văn hoá Dân gian là một hoạt động thiết thực của nhà trường nằm trong phong trào thi đua xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nhà trường đã tổ chức nhiều trò chơi như Rung chuông vàng, tô tượng, làm tranh cát, đổ nước vào cổ chai, đập niêu, vật tay, nghi thức múa hát, thi vẽ tranh chủ đề “Làng quê Việt” và chọn ra những bức tranh đẹp để bán gây quỹ phát quà cho học sinh nghèo của trường...
Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn là cách thức tổ chức các “gian hàng dân gian” như: Chuột đi tìm nhà, câu cá, tìm thú. Vé để tham gia trò chơi này là từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/vé. Có chứng kiến HS xúm đông, ken dày ở 3 gian hàng này mới thấy được các trò chơi này kích thích tính “ăn thua”, “được mất” của các em đến thế nào. Rất nhiều HS cầm một nắm vé trên tay, chen lấn để được chơi với quyết tâm lấy cho được phần thưởng. Một em HS, cầm trên tay gói bánh – là phần thưởng nhận được sau khi tham gia trò chơi, hào hứng kể: “Mẹ em cho em 30.000 đồng, em và một số bạn gom tiền lại mua tiếp vé để chơi. Đây là lần đầu tiên em tham gia chơi những trò chơi như thế này”. Rất nhiều vé đã được bán cho HS ngay trong buổi sáng ngày 26.3 dù nhiều phụ huynh đã mua sẵn vé cho HS từ ngày hôm trước.
Nhiều HS cố chen lấn để mua được vé tham gia trò chơi Chuột tìm nhà - một trò chơi mà như nhiếu nhận xét của phụ huynh là không khác gì chơi lô tô |
Trao đổi với PV Giáo dục & Thời đại, bà Huỳnh Thị Tam Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Những trò chơi có thưởng trong các Ngày hội Văn hoá dân gian cũng là một hình thức hay. Nhưng nếu tổ chức như trường Tiểu học Phù Đổng thì cần phải xem xét lại. Nên để cho HS chơi tự do, còn phần thưởng hoặc phát hành vé để lấy tiền mua tặng vật làm phần thưởng thì có thể kêu gọi phụ huynh ủng hộ từ trước đó. Những trò chơi đưa vào trường học cũng cần phải có sự chọn lựa sao cho vừa mang tính giải trí nhưng cũng phải có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho HS”.
Nguyên Anh