Cần xem gia đình là nền tảng

GD&TĐ -Việt Nam hiện có khoảng 4,6 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài hiệu quả chưa cao. Đứng trước thực trạng này,, chiều ngày 6/1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Phối hợp hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.  

Đại biểu Nguyễn Lân Trung đang trao đổi các giải pháp dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài sao cho hiệu quả hơn
Đại biểu Nguyễn Lân Trung đang trao đổi các giải pháp dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài sao cho hiệu quả hơn

Tham dự tọa đàm có ông Hầu Văn Lềnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng ông Lương Thanh Nghị- Phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài.

Đưa tiếng Việt vào cộng đồng người Việt tại hải ngoại: Nhu cầu lớn

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng công tác dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài không chỉ giúp cộng đồng người Việt giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn giúp cộng đồng người Việt nâng tầm ngôn ngữ riêng của mình, đưa nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình hòa vào dòng chảy văn hóa chung của các nước trên thế giới.

Thực tế tại một số quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống đông đúc, cũng như lượng du học sinh lớn như Australia, Pháp, Mỹ, Canada… tiếng Việt đã được dạy chính thức trong nhà trường như một ngôn ngữ.

Ở Australia, tiếng Việt được công nhận như một ngoại ngữ  giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học và đại học. Tại Pháp, tiếng Việt được Bộ Giáo dục Pháp công nhận như một ngoại ngữ trong các kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh đại học. Ở Canada, CH Séc, Chính phủ thực hiện chính sách bảo tồn các ngôn ngữ cội nguồn trong một xã hội đa văn hóa thông qua các chương trình di sản ngôn ngữ, do đó trẻ em Việt Nam có thể học tiếng Việt theo chương trình chính quy.

Riêng Hoa Kỳ, mà cụ thể là tại bang California- nơi có nhiều người Việt Nam định cư, có hơn 50 cơ sở dạy tiếng Việt. Nhiều nước như: Nga, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào còn mở ngành đào tạo tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam trong các trường đại học.

Ban chủ tọa buổi tọa đàm hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài
Ban chủ tọa buổi tọa đàm hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài

Điều đó cho thấy, sự hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính phủ bạn, các nghiệp đoàn tổ chức người Việt tại nước ngoài với Chính phủ nước bản sứ là rất tốt.

Tuy vậy, theo bà Trương Thị Ánh- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với những khó khăn về đội ngũ giáo viên, sự thiếu thống nhất của các bộ giáo trình, cũng như SGK…công tác dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào vẫn chưa thật hiệu quả.

Ông Lương Thanh Nghị- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Người Việt Nam ở nước ngoài nhìn nhận; Thời gian qua Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến công tác này khi trong 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có 2 đề án về dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Qua thời gian, công tác dạy và học có sự chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ việc dạy học, nguồn lực giáo viên còn yếu và không chuyên… là những nguyên nhân khiến công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại chưa cao.

Là một người sống và làm việc tại Úc hơn 40 năm, ông Trần Bá Phúc-Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc cho rằng chúng ta có thuận lợi rất lớn để làm việc này một cách bài bản tại Úc, khi tiếng Việt đã là ngoại ngữ chính đưa vào ký thi bậc trung học.

Do đó, theo ông nếu Việt Nam có một chiến lược bài bản, xây dựng được những bộ giáo trình thống nhất, với sự hỗ trợ một cách đắc lực của các nghiệp đoàn, hội sở người Việt tại Úc về cơ sở vật chất, song song việc sử dụng lực lượng du học sinh Việt Nam vào các dịp cuối năm, hè (có bồi dưỡng phương pháp dạy học cho họ) thì việc dạy và học tiếng Việt sẽ hiệu quả hơn.

“ Tôi được biết, hiện ở Úc mỗi nơi dạy và học tiếng Việt có một giáo trình khác nhau. Có người về Việt Nam hoặc qua Hoa Kỳ lấy sách rồi soạn lại để dạy. Vì vậy, trên 50% cơ sở dạy tiếng Việt tại Úc không hội đủ yêu tố nhận Ngân sách của Chính phủ Úc (trước kia có) nên phải tự làm. Điều này đã khiến việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Úc chưa cao”- ông Phúc thông tin.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện đề xuất nhiều giải pháp để việc dạy và học tiếng Việt của thế hệ trẻ sinh tại nước ngoài được nhẹ nhàng, hiệu quả hơn
Tiến sĩ Phan Bích Thiện đề xuất nhiều giải pháp để việc dạy và học tiếng Việt của thế hệ trẻ sinh tại nước ngoài được nhẹ nhàng, hiệu quả hơn

Giải pháp nào để việc dạy và học tiếng Việt ở hải ngoại cho hiệu quả?

Để giải quyết cho những bất cập này, Bộ GD&ĐT trong thời gian qua đã biên soạn và thẩm định chương trình dạy tiếng Việt cho người lớn và thanh thiếu niên ở nước ngoài, biên soạn các bộ sách dạy tiếng Việt, cũng như giáo viên đến nơi có thể giúp bà con học tiếng Việt.

Song song đó, nhanh chóng hoàn thiện đề án tăng cường dạy tiếng Việt trực tuyến và nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại nước ngoài, cũng như triển khai xây dựng chương trình dạy tiếng Việt theo khung năng lực (sẽ ban hành trong Quý I năm 2018) nhằm giúp công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, thời gian tới khi đề án tăng cường dạy tiếng Việt trực tuyến và nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại nước ngoài hoàn thiện, thông qua, cũng như triển khai xây dựng chương trình dạy tiếng Việt theo khung năng lực (sẽ ban hành trong Quý I năm 2018) những bất cập đang tồn tại sẽ ít nhiều được tháo gỡ.

“ Nhu cầu dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một nhu cầu có thật và rất lớn. Vì vậy, việc biên soạn một số tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được xem là nhiệm vuụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang cùng các bộ ngành chức năng xây dựng cổng trực tuyến dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước…để giúp cho việc học được thuận lợi hơn”- Thứ trưởng Phúc cho biết.

Là người dành nhiều thời gian và trí lực cho công tác này, ông Tài Phương- một việt kiều Mỹ cho rằng; để công tác dạy và học tiếng Việt hiệu quả thì chúng ta cần phải khoanh vùng ưu tiên các khu vực mà chúng ta xét thấy có sự lan tỏa lớn, gắn kết văn hóa với các quốc gia bản địa sau khi triển khai chương trình.

Bên cạnh đó, ngoài việc đầu tư mạnh mẽ, đa dạng hơn nữa các bộ SGK, thì đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cũng cần được chuẩn hóa, tập huấn thường xuyên (hiện đa phần là tình nguyện hoặc dạy bán thời gian), gắn kết chặt chẽ các tổ chức, hội đoàn người Việt tại nước bản sứ, nhằm kêu gọi nguồn lực hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho giáo dục.

Bên cạnh các giải pháp thống nhất giáo trình, đa dạng hóa SGK, đẩy mạnh việc kết nối, dạy tiếng Việt qua internet, nhiều đại biểu cho rằng để việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối, sinh ra tại nước ngoài hiệu quả thì ngoài việc thống nhất giáo trình, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm hơn đến giáo trình hướng dẫn ông bà, bố mẹ phương pháp sư phạm dạy tiếng Việt cho con của họ sao cho hiệu quả.

Toàn cảnh buổi tọa đàm hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài
Toàn cảnh buổi tọa đàm hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài

Tiến sĩ Phan Bích Thiện- Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hugary-Việt Nam khẳng định: Việc dạy tiếng Việt cho học sinh, các thế hệ sau này sinh ra tại nước ngoài thì gia đình phải là nền tảng chính, là nơi khơi gợi được cho các cháu vì ham mê, tò mò, mong muốn khám phá về đất nước, con người Việt Nam. Bởi khi đã mong muốn khám phá, sự yêu thích và học tiếng Việt nơi thế hệ sau mới hình thành.

“ Cá nhân tôi nhận thấy khi tạo cho con sự thích thú bằng các video, clip về những điển tích, văn hóa cội nguồn, dân tộc Việt, các cháu sẽ tự tìm tòi, học và hỏi cha mẹ. Chính vì thế, theo tôi Bộ GD&ĐT cần nâng cấp SGK, lồng ghép vào đó những điển tích lịch sử, các giá trị cội nguồn dân tộc, những câu truyện dân gian bằng những hình ảnh trực quan…điều đó sẽ tạo động lực hơn rất nhiều cho các cháu trong việc học tiếng Việt”- bà Thiện nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ