(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trong buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng về kiểm tra tình hình thực hiện đổi mới quản lý GD ĐH giai đoạn 2010 – 2012 của ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên vào sáng ngày 3.11.
Tham dự có đại diện các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, với việc áp dụng Luật GD Đại học vào thực tế, sẽ có nhiều thay đổi từ cách tiếp cận, cách đánh giá, tổ chức… nên các đơn vị giáo dục ĐH cần nghiên cứu kỹ Luật GD ĐH để triển khai thực hiện.
Quang cảnh buổi làm việc |
Đánh giá về việc thực hiện chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012, PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Cuộc vận động đổi mới quản lý GD ĐH giai đoạn 2010 - 2012 được triển khai sâu rộng trong toàn ĐH Đà Nẵng đã thực sự tạo ra một bước chuyển biến lớn trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức và SV của nhà trường.
Mỗi cán bộ, viên chức đều nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực thi nhiệm vụ, tất cả vì sự lớn mạnh của ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên. Đối với SV, các buổi trao đổi, thảo luận Chương trình hành động được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động của Đoàn thanh niên nên nội dung dễ dàng đến được với từng SV”.
Trên cơ sở cam kết thực hiện 11 điểm về đổi mới quản lý GD ĐH của ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên, tuỳ theo đặc điểm, đều chọn cho mình những cách làm đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bảo Thanh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm cho biết: “Trường đã tổ chức thực hiện khảo sát ý kiến của SV để đánh giá chất lượng giảng viên. Trường ĐH Sư phạm cũng đổi mới hệ thống kiểm tra – đánh giá theo hướng áp dụng các phương pháp và quy trình đánh giá khách quan; sử dụng ngân hàng đề thi; áp dụng CTT trong kiểm tra - đánh giá”.
Theo TS Võ Như Tiến – Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ thì nhà trường chọn việc đổi mới nhận thức của toàn thể nhà trường, từ CBQL, GV và SV để làm động lực trong đổi mới quản lý GD ĐH; xây dựng cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp; tin học hoá quá trình đào tạo để phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ.
Trường ĐH Ngoại ngữ đã nỗ lực “kéo doanh nghiệp về với nhà trường” để đào tạo những ngoại ngữ đang khan hiếm nguồn nhân lực nhưng người học lại không mấy mặn mà như tiếng Nga, tiếng Thái Lan… ĐH Ngoại ngữ cũng xác định sẽ cùng với các trường thành viên nâng cao chất lượng dạy – học Ngoại ngữ để đáp ứng chuẩn đầu ra cho SV.
Ngoài tham gia kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT, trường ĐH Bách khoa đã tham gia đợt đánh giá CTI - kiểm định chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) và đã được Chính phủ Cộng hoà Pháp tái công nhận văn bằng của chương trình giai đoạn 2006 - 2016 và đang xúc tiến để có thể tham gia kiểm định một số chương trình của khối kỹ thuật theo chuẩn đánh giá ABET.
Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum đã làm tốt khâu hợp tác với doanh nghiệp trong thu hút đầu tư CSVC, tiếp nhận SV thực tập, kết hợp với địa phương thực hiện một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng…
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đánh giá cao những bước đột phá của ĐH Đà Nẵng trong việc thực hiện đổi mới GD ĐH; các trường thành viên đều có cách tổ chức quản lý, quản trị khoa học như: mô hình hoạt động Đoàn trong đào tạo tín chỉ, công tác kiểm định chất lượng, xây dựng nhóm nghiên cứu - giảng dạy (TRT) với những bước đầu tư hợp lý; mô hình trợ giảng; đào tạo sau ĐH theo hai hướng tinh hoa và nghề nghiệp; xây dựng chuẩn đầu ra…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đề nghị ĐH Đà Nẵng đánh giá mức độ và khả năng đạt được của SV so với chuẩn đầu ra, chuẩn đầu ra mà các trường công bố đã thoả mãn nhu cầu của doanh nghiệp chưa. ĐH Đà Nẵng cũng cần phân tích kỹ hơn về chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ so với niên chế.
Trong thời gian đến, ĐH Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch về đổi mới tổ chức quản lý đào tạo theo Luật GD ĐH. Với tinh thần của Luật GD ĐH, sẽ kéo theo nhiều thay đổi từ cách tiếp cận, đánh giá, tổ chức thực hiện; đơn cử như việc cho phép kéo dài thời gian công tác của Tiến sĩ hay như sẽ không còn chương trình khung như trước đây nên các trường có thể chủ động đưa vào những môn học mới cần thiết cho đào tạo nhân lực…
Do đó, các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ cần nghiên cứu kỹ Luật GD ĐH để thực hiện đổi mới GD ĐH. Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác quy hoạch cán bộ và luân chuyển cán bộ từ các trường thành viên lên ĐH Đà Nẵng và ngược lại đã tạo ra được sự hài hoà cho mô hình ĐH đa cấp.
Ánh Ngọc