Cẩn trọng với điện thoại, đồng hồ nhái hoành hành dịp cuối năm

Cuối năm, ai cũng muốn tậu cho mình một chiếc đồng hồ mới hoặc một chiếc điện thoại xịn, nhiều tính năng để chơi Tết. 

Đồng hồ nhái bị cơ quan chức năng phát hiện, tiêu hủy cuối năm 2016.
Đồng hồ nhái bị cơ quan chức năng phát hiện, tiêu hủy cuối năm 2016.

Tuy nhiên, do giá thành còn cao nên không phải ai cũng có thể sở hữu được những mặt hàng có phần xa xỉ này. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều đầu nậu đã đưa hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường. Thói quen mua hàng nhái bắt đầu từ một số ít người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho các đầu nậu hàng lậu trục lợi.

"Điện thoại siêu phẩm" giá "bèo"

Với những người rành công nghệ thì việc phân biệt một chiếc điện thoại chính hãng với hàng nhái là không khó bởi những điểm khác biệt về phần mềm, giá cả và nơi xuất xứ.

Tuy nhiên, do giá thành những “siêu phẩm” điện thoại còn rất cao nên việc những người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận. Nắm được điều này, nhiều đối tượng đã cho nhập lậu những sản phẩm kém chất lượng về bán tại Việt Nam với giá rất rẻ.

Ngoài ưu điểm về giá (thông thường chỉ từ 30 đến 50% so với hàng chính hãng) thì thiết kế của những sản phẩm này giống y như hàng thật.

Khảo sát trên mạng, nhiều trang web rao bán công khai điện thoại giả với những lời quảng cáo có cánh. Trên trang VTTL.com, một chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 5 nhái được rao bán với giá 7 triệu đồng.

Sau một thời gian, trang này cho sản phẩm “Note 5 Đài Loan” này “hạ giá sốc” xuống còn 2,8 triệu đồng. Ngoài ra, những siêu phẩm khác của Apple cũng bị làm nhái và rao bán hết sức công khai với cái mác “iPhone Đài Loan”. Tất nhiên, giá mỗi chiếc iPhone 7 plus nhái cũng được trang này bán với cái giá hết sức rẻ bèo là 3 triệu đồng.

Ngoài trang được mệnh danh là “chuyên hàng nhái” này, trên mạng còn có rất nhiều trang web rao bán các loại điện thoại nhái các thương hiệu cao cấp.

Dòng Vertu vốn là thương hiệu siêu sang, chỉ phục vụ cho giới siêu giàu được xem là đối tượng làm giả nhiều nhất và phổ biến nhất. Ví dụ, một chiếc Vertu V5 chính hãng đã qua sử dụng vài năm được giao dịch với giá hàng chục triệu đồng, trong khi hàng nhái với thiết kế y hệt được bán với giá từ 500 nghìn đồng.

Cá biệt, có hàng loạt trang web khi rao bán hàng nhái đã không ngần ngại thêm chữ “fake” hoặc “hàng 1-1” phía sau sản phẩm của mình. Đơn giản vì chẳng có một chiếc điện thoại Vertu chính hãng nào lại có cái giá rẻ đến mức giật mình như vậy.

Ngoài việc bán hàng giả một cách công khai, nhiều trang web cũng không ngần ngại rao bán cả điện thoại đã qua sử dụng với chất lượng hết sức “hên xui”.

Đối tượng hàng đã qua sử dụng được rao bán nhiều nhất có lẽ là các loại iPhone của Apple. Với cái mác là hàng “xách tay”, các loại iPhone này được các cửa hàng nhập về theo đường hàng không hoặc tàu biển hay thậm chí là thẩm lậu từ biên giới phía Bắc.

Theo nhiều thợ chuyên sửa iPhone tại TPHCM, hàng xách tay có nhiều loại còn tốt do người dùng ở nước ngoài lên đời máy mới sau khi kết thúc hợp đồng với nhà mạng.

Tuy nhiên cũng có nhiều loại iPhone được các nhà máy quy mô nhỏ ở Trung Quốc thu mua từ các nước rồi sau đó mang về đóng bo mạch, bộ vỏ mới rồi tung ra thị trường.

Thông thường giá các loại điện thoại này chỉ từ 50 đến 60% so với hàng mới được bán chính hãng tại Việt Nam. Nói về chất lượng của các sản phẩm “second hand” này, hầu như thợ nào cũng gói gọn vào hai chữ “hên xui”.

Một chủ cửa hàng sửa điện thoại có uy tín ở quận 10 chia sẻ: “Đa phần iPhone hay bất kỳ các loại điện thoại nào là hàng nhái thì đều không vào được App (cửa hàng phần mềm) vì nhà sản xuất không hỗ trợ phần mềm cho các sản phẩm này.

Còn các sản phẩm xách tay từ nước ngoài về thì đều sử dụng sim ghép hoặc chạy hệ điều hành với phiên bản cũ. Khi có sự cố xảy ra thì nguy cơ chiếc điện thoại trị giá hàng triệu đồng biến thành “cục gạch” là điều khó tránh khỏi”.

Đồng hồ nhái náo loạn thị trường

Ngoài điện thoại di động, đồng hồ là một trong số mặt hàng bị làm giả, nhái nhiều nhất hiện nay. Dù lực lượng chức năng liên tục thu giữ, tiêu hủy và xử phạt nặng những người buôn bán nhưng tình trạng mua bán những sản phẩm này vẫn hoành hành, nhất là vào dịp Tết khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Theo anh Duy Hoàng - Nhân viên kỹ thuật của một chuỗi kinh doanh đồng hồ có uy tín - thì kể từ khi lập trang web phân biệt đồng hồ thật giả qua mạng, công ty anh đã tiếp nhận hàng trăm thắc mắc của người tiêu dùng.

Theo anh Hoàng, đối tượng làm giả đa phần là các mẫu đồng hồ đang được tiêu thụ tốt trên thị trường. Một điểm chung ở các mẫu đồng hồ bị làm giả, nhái là các thông số kỹ thuật và thiết kế bên ngoài.

Đơn cử như một mẫu đồng hồ chính hãng có thông số chống nước là 100 Bar (chống nước ở độ sâu 100m trong vòng một khoảng thời gian nhất định) thì giá trị của đồng hồ khi bán ra cũng tương ứng với thông số này của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, đồng hồ giả khi bán ra với giá như đồng hồ chính hãng nhưng thông số chống nước lại không được như hàng chính hãng. Cá biệt, có người bỏ ra đến 12.000 USD để mua một chiếc đồng hồ hiệu Rolex với niềm tin rằng với cái giá cao ngất ngưởng như vậy, chỗ bán lại ở nước ngoài nên chắc chắn là mình đã mua được hàng xịn.

Tuy nhiên, sau khi gửi đến công ty anh để thẩm định đã suýt té ngửa khi chiếc đồng hồ trị giá hàng trăm triệu đồng của mình là hàng nhái một cách hết sức tinh vi.

“Người tiêu dùng trước khi mua một sản phẩm nào đó, nhất là những sản phẩm có giá trị cao như điện thoại, đồng hồ đắc tiền nên bỏ ra một ít thời gian để tìm hiểu thông tin về thương hiệu, nhà sản xuất, chỗ bán có uy tín hay không rồi hãy ra quyết định.

Hiện nay, đồng hồ giả được gia công rất vi và được bán rất nhiều trên mạng. Nếu vội vàng trong mua sắm, nguy cơ mua phải hàng không đúng với quảng cáo, thậm chí là hàng giả sẽ rất cao” - Anh Hoàng chia sẻ.

Theo một nhà buôn đồng hồ có uy tín khác tại TPHCM thì đa phần các loại đồng hồ nhái đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá bán các loại đồng hồ nhái này rất rẻ.

Mỗi chiếc được bán từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại tại biên giới. Sau khi được đưa vào thị trường trong nước, chúng được đóng hộp, làm giả thẻ bảo hành để bán ra với giá gấp ba, thậm chí gấp 10 lần với giá gốc.

“Đa phần họ bán qua mạng để qua mặt cơ quan quản lý thị trường. Những loại đồng hồ giả này họ đều nói là sẽ bảo hành nhưng đã có nhiều người khi gặp sự cố tìm đến thì họ nói là phải chờ để thay thế linh kiện. Một thời gian sau, họ tráo một đồng hồ khác - cũng là đồng hồ nhái - cho khách để giữ uy tín” - Nhân viên này chia sẻ.

Dịp Tết là mùa mua sắm mạnh nhất trong năm nên việc một số đầu nậu tranh thủ đưa hàng giả, nhái, kém chất lượng vào thị trường. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì mỗi người tiêu dùng hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng, thông tin cần thiết về sản phẩm mình định mua sắm nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Mới đây, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng đã tổ chức tiêu hủy 200 chiếc đồng hồ nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Số đồng hồ này được phát hiện qua chương trình phân biệt đồng hồ thật giả do một chuỗi phân phối đồng hồ có uy tín tiến hành.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ