Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bệnh về da thường xuất hiện do tiếp xúc nước mưa, nhiều bệnh nhân bị ngứa do dùng những vật dụng để tránh mưa.
Tùy theo tình trạng mưa nhiều hay ít và thói quen dùng vật dụng tránh mưa như ô dù hoặc áo mưa, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện bệnh lý về da khác nhau.
Căn bệnh đặc trưng nhất là nổi mề đay do tiếp xúc với nước mưa. Bác sĩ Minh cho biết mấy ngày qua TP HCM liên tiếp mưa to và ngập nước, Phòng khám Da liễu đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều người bị bệnh mề đay do ướt hoặc lội nước.
Hầu hết trường hợp này sau khi tiếp xúc với nước mưa, da bắt đầu nổi những mảng mề đay như cơm cháy, màu hồng, gây ngứa rất nhiều.
Tình trạng này kéo dài từ khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa đến khoảng 2 giờ sau. Bệnh thường tự hết nhưng nếu lại tiếp xúc với nước mưa tiếp thì sẽ tái phát. Tình trạng này lặp đi lặp lại trở thành bệnh lý thực sự do nước mưa gây ra.
Một bệnh phổ biến khác là viêm da do tiếp xúc. Hiện nay môi trường bị ô nhiễm, lượng khí CO2 tăng lên cộng thêm bụi bặm, khí độc, vi sinh trong không khí với nồng độ cao.
Khi trời bắt đầu mưa, các chất này có thể bám vào da người tiếp xúc gây kích ứng da dẫn đến bệnh chàm do tiếp xúc. Dấu hiệu nhận biết bệnh này là bề mặt da đỏ lên và ngứa, nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.
Thói quen sử dụng quần áo mưa cũng có thể gây các bệnh về da. Bác sĩ giải thích, đi mưa, những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ sẽ bị nóng nực và ẩm ướt. Nếu dầm mưa quá lâu, cơ thể tiết mồ hôi làm cho vùng da ẩm ướt.
Đặc biệt, những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ... sẽ nặng hơn, gây ra tình trạng ngứa rất nhiều lan ra những vùng da khác. Người béo phì dễ bị viêm kẽ hoặc hăm kẽ, nếp dưới vú, nách và dưới bẹn.
Càng dầm mưa lâu, vùng da ở bàn chân càng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Người mang giày bít, vớ bằng len bị ướt, ẩm dẫn đến xuất hiện nấm ở kẽ bàn chân.
Dầm mưa cũng gây nhiễm trùng bội nhiễm trên người có sẵn các bệnh lý như chàm, bàn chân đái tháo đường, viêm mạch hoại tử ở chân.
Theo bác sĩ Minh, thông thường trong nước ngập còn có nước cống, nước thải của người và súc vật. Tình trạng lớp sừng bảo vệ của da giãn nở sau khi ngâm nước càng tạo điều kiện cho các tác nhân có hại thâm nhập qua da gây nhiễm trùng, nhiễm nấm. Các ký sinh trùng, ấu trùng có thể xâm nhập và gây tổn thương da.